Thời gian gần đây, hàng loạt đơn hàng thủ công mỹ nghệ từ Nhật Bản, Trung Quốc đang dịch chuyển sang thị trường Việt Nam và có khả năng đạt mục tiêu giá trị xuất khẩu 1,6 tỷ USD trong năm 2014
Theo đó, dòng đơn hàng từ hai thị trường này chuyển dịch về Việt Nam là do giá thành sản xuất tại Trung Quốc ngày một tăng, thời gian giao hàng của nhà sản xuất Trung Quốc dài gấp đôi so với Việt Nam trong khi yêu cầu số lượng đặt hàng tối thiểu lại cao gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu.
Cùng với đó, các nhà nhập khẩu cũng đã tin tưởng hơn vào chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nước ta. Để tiếp tục gia tăng kim ngạch xuất khẩu, ông Lê Bá Ngọc, Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ cần tập trung vào thị trường trung cấp phù hợp với năng lực sản xuất, chú trọng mở rộng kênh giao tiếp, truyền tải về giá trị và sức cạnh tranh của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Hiện nay, thị trường XK chính của ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Ngoài các thị trường truyền thống đang duy trì và phát triển, Việt Nam đang hướng tới một số thị trường mới như Brasil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi… Để đón đầu cho cơ hội này, vị đại diện của Vietcraft cho biết, thị trường hàng thủ công mỹ nghệ luôn tồn tại 3 phân khúc: Hàng sản xuất số lượng nhiều nhưng giá thành thấp, hàng trung cấp và hàng chất lượng cao với số lượng ít. Khách hàng sử dụng sản phẩm Trung Quốc thường tập trung vào phân khúc thứ nhất. Nhưng nếu khách hàng hiểu được thị trường Việt Nam thì sẽ đi vào phân khúc thứ hai. Chính vì vậy, DN Việt Nam nào có điều kiện mở rộng sản xuất để đi vào phân khúc này là điều rất tốt.
Song trên thực tế, các DN có điều kiện đầu tư lớn vào sản xuất không nhiều. “Các DN có quy mô nhỏ không nên đầu tư vào các mặt hàng có giá trị lớn, rất dễ bị vỡ hợp đồng và rất dễ gặp tổn thất trong kinh doanh mà nên tìm ra lợi thế để đầu tư kinh doanh. Ví dụ, mặt hàng gốm sứ ngoài trời chúng ta mạnh hơn Trung Quốc nhưng gốm sứ trong nhà lại không “đấu” được với họ”./.
Theo vnciem