|
“Để mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiềm lực kinh tế bền vững, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, phối hợp giải quyết triệt để những thách thức trước mắt và lâu dài”-Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện DN và tham tán thương mại Việt Nam.
Những khó khăn, vướng mắc
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu trong cả nước 8 tháng đầu năm 2014 ước đạt 96,98 tỷ USD, tăng khoảng 14,1% (tương đương 11,99 tỷ USD) so với năm 2013. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được xuất ra nước ngoài dưới dạng thô hoặc sơ chế nên giá trị gia tăng thấp; xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, vai trò điều phối của các hiệp hội ngành nghề xuất khẩu thiếu hiệu quả dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới việc xuất khẩu của các DN. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay, như: Giày da, dệt may, thủy sản… còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu dẫn đến tình trạng DN chỉ thực hiện một công đoạn ngắn trong quá trình sản xuất thành phẩm với giá trị gia tăng chưa cao. Chiến lược xuất khẩu của Việt Nam chưa gắn với việc khai thác thế mạnh về nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế… Đây là những hạn chế ảnh hưởng đến sự tăng trưởng về chất của các sản phẩm xuất khẩu; đồng thời, chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro về biến động giá nguyên liệu nhập khẩu, nguồn cung nguyên liệu cũng như các rào cản thương mại.
Bên cạnh đó, vấn đề mở rộng thị trường xuất khẩu chưa được Nhà nước và các DN chủ động thực hiện dẫn tới phụ thuộc vào một số thị trường lớn; khi có biến động sẽ kéo theo hệ lụy đình trệ, ứ đọng sản phẩm. Điển hình như mặt hàng cao su thời gian qua bị làm giá, thậm chí không xuất được dẫn đến thiệt hại chưa thể phục hồi. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc tập trung quá nhiều vào một thị trường chẳng khác nào “bỏ trứng vào một rổ”, khó tránh khỏi bất lợi khi có biến động. Cùng với đó, thị trường thế giới tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu gặp khó khăn do những tác động của nền kinh tế dẫn tới nguy cơ DN xuất khẩu Việt Nam mất thị phần tại một số thị trường lớn trên thế giới. Những khó khăn, thách thức này buộc chúng ta phải tính tới phương án xử lý trong năm 2015 và có thể kéo dài tới những năm tiếp theo.
Mặt khác, vấn đề cập nhật thông tin thị trường, chủ động sản xuất kinh doanh hiện đang là khâu yếu của các DN xuất khẩu Việt Nam. Không nắm được thông tin kịp thời nên nhiều DN bị động trong xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, còn hàng loạt vướng mắc khác như: Thiếu nguyên liệu nội địa, chi phí đầu vào tăng cao, thiếu thị trường xuất khẩu ổn định, năng lực cạnh tranh thấp, công nghệ và thiết bị phải phụ thuộc… đều tác động tiêu cực tới các DN xuất khẩu.
Phối hợp tháo gỡ, nâng cao năng lực cạnh tranh
Trên thực tế, đối với các DN Việt Nam, nhất là DN vừa và nhỏ, muốn tìm hiểu thông tin về các nhà cung cấp phụ liệu nước ngoài với giá hời hơn sản phẩm trong nước là điều không dễ. Bởi thế, sản phẩm của DN trong nước làm ra kém hơn so với DN nước ngoài nên khó đáp ứng tiêu chí xuất khẩu. Để tháo gỡ những vướng mắc này, ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành, cho rằng: Các phòng thương mại, tham tán nên hỗ trợ DN bằng cách thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin đối tác nước ngoài, chính sách nhập khẩu, những rào cản kỹ thuật của các nước… cho DN nội địa qua nhiều kênh để thuận tiện liên hệ, hợp tác, vừa đỡ tốn thời gian tìm kiếm, vừa có điều kiện lựa chọn đối tác phù hợp với khả năng của DN. Chỉ khi nào nắm chắc năng lực thực tế, nhu cầu nhập khẩu, những “kiêng kỵ” của đối tác và văn hóa tiêu dùng của nhân dân nước sở tại thì DN Việt Nam mới chiếm lĩnh và mở rộng được thị trường xuất khẩu, giảm bớt thiệt hại, rủi ro.
Ngoài việc cung cấp thông tin, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo đổi mới và hoàn thiện thể chế trong nước, tiếp cận với thông lệ và tập quán thương mại thế giới, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho DN Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định: Chính sách tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đang thực thi, trong đó chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ và tái cơ cấu nền sản xuất công nghiệp sẽ tạo điều kiện cho DN Việt Nam giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các DN tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường.
Đặc biệt, để thực hiện thành công chiến lược xuất khẩu của nước ta giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030, định hướng xuất khẩu cần dựa vào hai lợi thế so sánh quan trọng để phát triển, đó là nguồn nhân lực và tài nguyên tự nhiên. Song, vấn đề hết sức quan trọng là xóa bỏ hàng rào thuế quan hai chiều. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho các DN xuất khẩu. Tuy nhiên, bản thân các DN cũng phải nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh; đổi mới công nghệ, trang thiết bị, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. “Các DN cần chủ động quan tâm tạo lập lợi thế so sánh với đối tác của mình. Nhờ lợi thế này, DN có thể thỏa mãn tốt hơn những đòi hỏi của khách hàng cũng như lôi kéo được khách hàng của đối tác cạnh tranh. Tuy nhiên, DN phải xây dựng cho được uy tín thương hiệu, đặc trưng của sản phẩm để tạo “điểm nhấn” của mình với đối tác và người tiêu dùng nước ngoài. Có vậy sản phẩm mới được ưa chuộng, thị trường xuất khẩu mới được mở rộng và bền vững”-Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, nhấn mạnh.
(Chú thích ảnh: Thủy sản, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang được thế giới ưa chuộng. Ảnh: CÔNG THƯƠNG)
Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân
|