Sáu năm kể từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu, đà tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn được cho là “mong manh và không đồng đều,” chưa thể nói đến chuyện bền vững. Bức tranh đối nghịch giữa một bên là sự sa sút mạnh của kinh tế Nhật Bản, sự trì trệ của kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và sự bứt phá mạnh của kinh tế Mỹ đã nói lên thực tế đó.
Các tổ chức tài chính đa phương gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu nói chung cũng như một số nền kinh tế lớn, kêu gọi các nước trên thế giới cần nỗ lực hơn nữa để có được đà tăng trưởng ổn định và đồng đều.
Thể trạng chưa thể hài lòng
Chính phủ Nhật Bản ngày 8/9 cho biết nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý Hai năm nay đã giảm mạnh hơn dự báo. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý Hai vừa qua sụt giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, mạnh hơn nhiều so với con số ước tính 6,8% trước đó.
Đây là con số tệ hại nhất về tăng trưởng kinh tế Nhật Bản kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Nếu so với quý trước, tốc độ sụt giảm GDP của quý này là 1,8% - mức giảm mạnh nhất kể từ sau thảm họa kép động đất-sóng thần hồi năm 2011.
Những số liệu mới này có thể gây sức ép buộc Ngân hàng trung ương Nhật Bản phải hành động, cũng như buộc chính phủ nước này hoãn đợt tăng thuế tiêu dùng tiếp theo trong năm tới.
Với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, thống kê về sản lượng công nghiệp cùng với một loạt số liệu kinh tế được công bố thời gian gần đây cho thấy đà tăng trưởng của kinh tế nước này vẫn chưa thoát ra khỏi chiều hướng yếu đi, bất chấp việc chính phủ thời gian qua đã tung ra các biện pháp kích thích tăng trưởng quy mô nhỏ.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng Tám vừa qua chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong hơn 5 năm qua. Số liệu mới nhất này cộng với việc hoạt động bán lẻ và đầu tư cũng chững lại làm gia tăng mối quan ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm lại khá mạnh, nếu chính phủ không đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng mới.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể trượt dần về mức 7% trong quý 3/2014, khiến cho mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong cả năm 2014 trở nên xa vời, nếu chính phủ nước này không hành động quyết liệt hơn.
Trong khi đó, kinh tế Eurozone tăng trưởng 0% trong quý 2/2014 do tình trạng sa sút của hai nền kinh tế đầu tàu là Đức và Pháp. Đây là một hồi chuông cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách khu vực, khi các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và châu Âu sẽ ngày càng tác động tiêu cực đến 18 nền kinh tế thành viên.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ giảm phát cũng như khơi thông dòng vốn tín dụng, tháo gỡ tình trạng tăng trưởng trì trệ ở Eurozone, tại cuộc họp ngày 4/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bất ngờ đồng loạt giảm các lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời công bố chương trình mua chứng khoán đảm bảo bằng tài sản và chứng khoán có đảm bảo.
Trong khi đó, dù tốc độ tăng trưởng đang lấy lại được động lực mạnh mẽ, đạt đến 4,2% trong quý Hai vừa qua, sau khi giảm 2,1% trong quý đầu năm, thị trường lao động Mỹ vẫn chưa phục hồi một cách thực sự ổn định.
Trong tháng Tám, kinh tế Mỹ tạo mới được 142.000 việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, giảm so với mức 212.000 việc làm trong tháng Bảy và là mức thấp nhất trong 8 tháng qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm từ 6,2% xuống 6,1%, song kết quả này một phần là do nhiều người từ bỏ nỗ lực tìm kiếm việc làm.
Cần thêm động lực tăng trưởng và tạo việc làm
Trong báo cáo đánh giá kinh tế sơ bộ mới công bố, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng điểm đáng lo ngại nhất hiện nay là tăng trưởng tiếp tục trì trệ ở Eurozone. OECD đã hạ mức tăng trưởng dự kiến của Eurozone trong năm 2014 và 2015 xuống còn 0,8% và 1,1%, thấp hơn các mức dự đoán tăng 1,2% và 1,7% đưa ra hồi tháng Năm.
Tổ chức này nhận định kinh tế của 18 nước thành viên đang có dấu hiệu suy giảm với nhịp độ tăng trưởng yếu. Đây được coi là điều đáng thất vọng sau khi nhiều chính phủ và các nhà kinh tế học nỗ lực tìm kiếm những dấu hiệu chứng tỏ liên minh tiền tệ này đang dần phục hồi.
OECD cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ và một số nền kinh tế lớn khác cũng sẽ giảm tốc. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Mỹ dự kiến đạt lần lượt 2,1% năm 2014 và 3,1% năm 2015, thấp hơn so với các mức tương ứng 2,6% và 3,5% được dự báo trước đó.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 7,4% năm 2014 và 7,3% năm 2015, tương tự các mức dự kiến mà OECD đưa ra hồi tháng Năm. Kinh tế Nhật Bản dự kiến chỉ tăng trưởng 0,9% năm 2014 và 1,1% năm 2015.
Nhà kinh tế Rintaro Tamaki của OECD cho biết thị trường lao động của các nước phát triển chỉ cải thiện chậm chạp với việc thế giới còn quá nhiều người vẫn không thể tìm được việc làm tốt. Ông cũng cảnh báo các thị trường tài chính phần lớn để thiếu chú ý tới những rủi ro địa chính trị ngày càng tăng đối với kinh tế thế giới và triển vọng đang xấu đi của kinh tế Eurozone.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde cho biết, trong báo cáo dự định công bố vào ngày 7/10 tới, định chế tài chính này có thể hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 từ 3,4% xuống mức trên 3%, (nằm trong khoảng 3-3,5%).
Theo bà Lagarde, đà tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay vẫn "quá yếu, mong manh và không đồng đều", đồng thời bị chi phối bởi các rủi ro địa chính trị bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Trung Đông.
Còn báo cáo "Thương mại và phát triển 2014” mới đây của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) khẳng định kinh tế thế giới vẫn chưa tìm được con đường tăng trưởng bền vững, dù đã sáu năm sau khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu. Báo cáo của UNCTAD nhận định kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 2,5-3% trong năm nay, tăng từ mức 2,3% của hai năm trước đó, nhưng vẫn chưa đạt được nhịp độ trước khủng hoảng.
Đòi hỏi những nỗ lực hơn nữa
OECD khẳng định ECB cần phải có nhiều biện pháp hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế 18 quốc gia thành viên Eurozone. Biện pháp nới lỏng định lượng bằng việc mua vào trái phiếu dài hạn nhằm bơm thêm tiền cho thị trường được cho là an toàn.
OECD cũng kêu gọi chính phủ các nước nới lỏng chi tiêu trong giới hạn cho phép, nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách và nợ công. Tổ chức này cảnh báo nếu không hành động kịp thời, tình trạng đình trệ có nguy cơ kéo dài.
Đề cập tới tình hình kinh tế Eurozone, Tổng Giám đốc Lagarde cho rằng các nhà lãnh đạo khu vực cần phải đưa ra những biện pháp cải cách cơ cấu sâu rộng hơn, tạo sự linh hoạt hơn nữa cho thị trường lao động và đẩy mạnh yếu tố cạnh tranh nhằm phục hồi tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế này vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát.
Cụ thể, bà Lagarde kêu gọi Đức tiếp tục tăng cường đầu tư vào các nước trong khu vực, và hối thúc Pháp và Italy cắt giảm thuế, tăng cường đầu tư công và nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách, nhằm góp phần củng cố đà tăng trưởng của Eurozone. Tổng Giám đốc Lagarde cho rằng ECB nên tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Theo các chuyên gia của UNCTAD, vấn đề là sự phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn yếu, trong khi các chính sách hỗ trợ không chỉ là không đủ mà còn chưa nhất quán. Báo cáo của UNCTAD chỉ trích các biện pháp khắc khổ và việc cắt giảm lương mà nhiều nước phát triển đã áp dụng với niềm tin là sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và cho rằng các biện pháp này ngược lại đã ảnh hưởng đến nhu cầu nội địa.
Báo cáo cho rằng những nước mong muốn một sự phục hồi bền vững nên chuyển trọng tâm theo hướng ngược lại là tăng lương và phân phối thu nhập bình đẳng hơn bởi động cơ cho sự phục hồi phải đến từ phía nhu cầu.
Báo cáo của UNCTAD cảnh báo việc không ít người tin rằng tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển cuối cùng đã tăng tốc là quá lạc quan, và việc lấy đó làm bằng chứng cho thành công của các chính sách khắc khổ và các cải cách có lợi cho thị trường là một sai lầm.
Theo báo cáo, đó là điều nguy hiểm khi dẫn đến những kêu gọi về việc rút các biện pháp phòng ngừa và kích thích ở các nước phát triển và những khuyến nghị rằng các nước đang phát triển cũng nên đi theo con đường khắc khổ.
UNCTAD kêu gọi các nước phát triển mở rộng tiền tệ kết hợp với mở rộng tài chính, ngăn chặn việc thanh khoản được sử dụng cho mục đích đầu cơ và thực hiện các chính sách phân phối thu nhập để thúc đẩy nhu cầu và tăng thu nhập cho người dân, còn các nước đang phát triển đẩy mạnh các chính sách đa dạng hóa nền kinh tế./.
Theo VIETNAM+