Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, sản phẩm của ngành công nghiệp phá dỡ, tái chế tàu biển là nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao và khối lượng không nhỏ cho ngành công nghiệp thép. Năm 2012, Việt Nam phải nhập khẩu gần 4 triệu tấn thép phế liệu và nhu cầu nhập khẩu tiếp tục gia tăng khoảng 2,5 triệu tấn trong vòng 2 năm tới khi một số nhà máy luyện thép lò điện đi vào hoạt động. Đồng thời, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng đóng mới và sửa chữa tàu biển đã được đầu tư khoảng 120 nhà máy đóng tàu trọng tải từ 1.000 DWT trở lên mới đầu tư, hoạt động trong vòng 10 năm và có thể tiếp tục khai thác tốt trong 15 năm tiếp theo (sau năm 2030) sau đó mới có thể chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, ngành nghề, giảm dần sản lượng và nâng cao giá trị xuất khẩu, công nghệ.
Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu tiếp tục cho phép việc phá dỡ tàu biển thì sẽ mang lại lợi ích khá lớn về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Quan trọng hơn cả là tạo ra các giải pháp, cơ hội để tiếp tục duy trì ngành công nghiệp đóng tàu.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đem lại cũng tiềm ẩn những mặt bất lợi ảnh hưởng đến môi trường nếu không có sự kiểm soát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.
Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc ban hành Nghị định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng với những quy định cụ thể, rõ ràng làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân áp dụng thực hiện và công tác quản lý nhà nước về phá dỡ, tái chế tàu biển đã qua sử dụng được thuận lợi và có hiệu quả là cần thiết. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 19 điều quy định rõ đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
Doanh nghiệp phải có vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có đủ các điều kiện quy định dưới đây được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. Sau 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ, phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51%. Có cơ sở phá dỡ tàu biển nằm trong hệ thống quy hoạch chi tiết cơ sở phá dỡ tàu biển Việt Nam, thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê cơ sở phá dỡ.
Dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải đáp ứng các điều kiện dưới đây: 1- Có các bộ phận chuyên trách thực hiện nghiệp vụ nhập khẩu tàu biển để phá dỡ, pháp luật hàng hải, an toàn lao động và bảo vệ môi trường. 2- Người được bổ nhiệm giữ chức danh phụ trách nghiệp vụ phải đáp ứng các điều kiện dưới đây: Phải có bằng đại học trở lên về một trong các lĩnh vực: hàng hải, ngoại thương, thương mại và có kinh nghiệm tối thiểu 3 năm làm nghiệp vụ nhập khẩu tàu biển; phải có bằng đại học trở lên về một trong các lĩnh vực: hàng hải, luật và có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 2 năm làm nghiệp vụ pháp luật hàng hải; phải có bằng đại học liên quan đến an toàn lao động, môi trường và có kinh nghiệm tối thiểu 2 năm làm nghiệp vụ an toàn lao động, bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải có vốn pháp định tối thiểu tương đương 50 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng để phá dỡ.
Điều kiện đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động
Dự thảo cũng nêu rõ điều kiện đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động. Cụ thể là: Phù hợp với quy hoạch chi tiết cơ sở phá dỡ tàu biển đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; có hồ sơ theo quy định; có bảng kê khai lao động trực tiếp tham gia hoạt động phá dỡ tàu biển có chứng chỉ chuyên môn phù hợp; được xác nhận việc đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có nội dung hoạt động phá dỡ tàu biển.
Theo dự thảo, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định hồ sơ cơ sở phá dỡ tàu biển và trình Bộ Giao thông vận tải quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động trên cơ sở kết quả thẩm định của Cục Hàng hải Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Theo baodientu.chinhphu.vn