VHC giữ nguyên vị trí thứ 6, trong khi HVG tụt xuống vị trí số 8. 8/10 doanh nghiệp có giá trị xuấ t khẩu lớn nhất là DN tôm. Từ tháng 7 trở đi cầu tôm tăng, đặc biệt là từ tháng 9.
Tính đến nửa đầu tháng 9, theo số liệu Tổng Cục Hải Quan Việt Nam công bố, xuất khẩu thủy sản đạt 5,3 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2013, nằm trong top 5 các nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của cả nước không kể dầu thô. Đến thời điểm này có thể gọi năm 2014 là năm của Tôm bởi sự đóng góp của tôm vào khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Trước đó, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 5,08 tỷ USD, tăng mạnh 22,2% so với 8 tháng đầu 2013; trong đó, xuất khẩu tôm các loại đóng góp, 2,56 tỷ USD với sự tăng trưởng lên đến 48%. Đồng thời Tôm chân trắng đóng góp khoảng 30% giá trị xuất khẩu toàn ngành.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành tôm đã giúp cho các doanh nghiệp tôm lấn vị thế các doanh nghiệp cá lớn trong ngành. Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có giá trị lớn nhất chỉ còn Thủy sản Vĩnh Hoàn (MCK: VHC) và Thủy sản Hùng Vương (MCK: HVG).
Điểm mới trong 8, Hùng Vương tiếp tục bị doanh nghiệp tôm – FMC đẩy xuống vị trí thứ 8 trong top, FMC vươn lên vị trí số 7. Trong khi đó, Agifish (MCK: AGF) bị đánh bật xa khỏi top 10, xếp thứ 14 với kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt gần 62,5 triệu USD.
Theo ông chủ tôm Minh Phú, từ tháng từ tháng 7 trở đi cầu tôm tăng, đặc biệt là từ tháng 9. MPC cho biết thêm, chiến lược của MPC hiện nay là chỉ nuôi ở diện tích ít, MPC sẽ chuyên về chế biến.
“Nuôi tôm đang 5 ăn 5 thua”
Mặc dù xuất khẩu tôm tăng mạnh đã giúp cho các doanh nghiệp tôm lên ngôi, tôm chân trắng trở thành loài thủy sản tỷ đô. Tuy nhiên, hiện người nuôi tôm “đang 5 ăn 5 thua” do tình trạng dịch bệnh.
Bên cạnh đó, sự phát triển ngành đang dần lộ thách thức từ khó khăn vùng nguyên liệu. Dẫn lời ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP tại VASEP, khác với con cá tra, con tôm chưa hình thành một vùng nguyên liệu theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi. Doanh nghiệp tự nuôi vì diện tích nuôi tôm lớn, trong đó chủ yếu là nuôi quảng canh, lại phân bố trên một diện tích rộng nên rất khó cho doanh nghiệp khi xây dựng vùng nguyên liệu.
Ở khía cạnh khác, xuất khẩu tôm sú 8 tháng đầu năm đạt hơn 895 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng hiện tại, Việt Nam đang phải nhập khẩu một lượng lớn tôm từ nước ngoài, chủ yếu từ Ấn Độ để chế biến xuất khẩu. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập khẩu thủy sản từ Ấn Độ lên đến 248,5 triệu USD, trong đó, tôm sú là mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Cầu tôm tăng trong khi phía cung đang gặp phải nhiều thách thức là bài toán không dễ cho tương lai của ngành tôm.
Theo CafeF | Infonet