Cụ thể, năm 2013, XK tôm sang Australia đạt trên 128,7 triệu USD, tăng 27,5% so với năm 2012, chiếm 62% tổng giá trị XK thủy sản sang thị trường này. Hiện, Việt Nam đứng thứ hai về XK tôm cho nước này sau Trung Quốc.
VASEP phân tích: Tôm nuôi tại Australia thường rất đắt nhưng được ưa chuộng vì tươi và người Australia thích mua hàng thực phẩm trong nước vì uy tín thương hiệu. Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn tôm đông lạnh NK từ Thái Lan và Việt Nam do giá thành thấp hơn và chất lượng ngày càng được cải thiện.
Việt Nam đang là nước sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, trong khi người tiêu dùng Australia lại khá ưa chuộng tôm sú to. Vì vậy, tiềm năng mở rộng hơn nữa XK tôm sú sang Australia là rất lớn.
Vấn đề đặt ra là các qui định nghiêm ngặt của Australia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật được sử dụng như 1 hàng rào kỹ thuật đối với các nước NK thủy sản vào thị trường này, đặc biết đối với sản phẩm tôm, nhất là tôm tươi đông lạnh, thế mạnh của tôm Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia.
Trong mấy năm qua, chính phủ Australia lấy lý do bảo vệ việc nuôi tôm trong nước và đã dựng nên hàng rào kỹ thuật là cho AQIS (cơ quan kiểm tra của Australia) kiểm virus đốm trắng (White spot) và đầu vàng (Yellow head) trong tôm tươi của Việt Nam xuất sang Australia, nếu kết quả dương tính (ngưỡng 0%) sẽ không được nhập vào Australia. Thực tế, lượng tôm nuôi ở Australia quá nhỏ so với lượng tôm nhập vào Australia hàng năm mà chủ yếu dùng cho chế biến sản phẩm tôm chín (whole cooked).
Một khó khăn nữa trong là các phòng lab của AQIS kiểm virus theo phương pháp Real-time PCR, tức là kiểm AND của virus, khi đó thì virus cho dù đã chết, chỉ còn lại xác vẫn bị coi là dương tính và bị trả hàng về.
Phương pháp này rất ít phòng lab ở Việt nam có thể kiểm được. Do vậy, DN không biết làm thế nào để có thể xuất được tôm tươi đông lạnh (raw frozen prawns) vào Australia, nên chỉ có thể xuất tôm đã luộc chín, hoặc tôm tẩm bột, tẩm gia vị mặc dù nhu cầu đối với mặt hàng này thấp hơn nhiều so với tôm tươi.
Để thúc đẩy XK thủy sản nói chung và mặt hàng tôm nói riêng sang Australia, hiện nay, VASEP đang cùng với Thương vụ Việt Nam tại Australia kiến nghị, hợp tác với cơ quan hữu quan Australia xem xét bỏ việc kiểm các loại virus trên đối với tôm Việt Nam, vì điều này không đe dọa dịch bệnh cho ngành nuôi tôm nội địa do sản lượng tôm nuôi tại Australia rất ít và chủ yếu dùng cho sản phẩm whole cooked bán cho những phân khúc cao cấp.
Ngoài ra, trong khi chờ xem xét dỡ bỏ việc kiểm dịch nêu trên, nên có thỏa thuận song phương giữa AQIS và Cục Quản lý chất lương Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về thống nhất phương pháp kiểm virus. Các DN tôm Việt Nam có thể kiểm virus tại VN và khi có kết quả âm tính thì hoàn toàn yên tâm xuất hàng sang Australia mà không nơm nớp lo sợ hàng bị trả về.
Đồng thời, AQIS cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vấn đề trọng lượng tịnh của tôm, cá XK vào Australia tránh xảy ra việc gian dối người tiêu dùng, bán phá giá gây thiệt hại đến uy tín chất lượng tôm Việt Nam.
Theo báo Hải Quan