Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, trong 8 tháng 2014 Việt Nam đã thu về từ thị trường Ấn Độ trên 1,5 tỷ USD, tăng 96,61% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ trong 8 tháng bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị, cao su, hạt tiêu, hóa chất, cà phê, xơ sợi dệt các loại, gỗ và sản phẩm…. trong số đó mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt kim ngạch lớn nhất, chiếm 34,1% tổng kim ngạch, tương đương với 524,9 triệu USD, tăng 81,18% so với 8 tháng 2013. Kế đến là máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 153,1 triệu USD, tăng 113,27%...
Trong những mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ trong 8 tháng 2014, thì đều có tốc độ tăng trưởng dương, những mặt hàng có kim ngạch trên 10 triệu USD chiếm trên 62%, đáng chú ý xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Ân Độ tuy kim ngạch chỉ đạt 70 triệu USD, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng vượt trội, tăng 240,96% so với 8 tháng 2013.
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2013, trong 8 tháng 2014 này xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường thị trường Ấn Độ có thêm các mặt hàng như: kim loại và sản phẩm, sản phẩm mây tre cói, gốm sứ, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, thức ăn gia súc và nguyên liệu và nguyên phụ liệu dệt may da giày trong nhóm những mặt hàng này thì kim loại thường khác và sản phẩm đạt kim ngạch cao nhất, đạt 50,7 triệu USD.
TOP 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ấn Độ 8 tháng 2014 – ĐVT: %
(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ của TCHQ Việt Nam)
Mới đây, tại Diễn đàn xuất khẩu 2014, bí thư phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng cho biết, ngoài điện thoại di động, thì nông sản và thực phẩm như cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, thuỷ sản... là các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang Ấn Độ, Tuy nhiên, Ấn Độ lại có tập quán tiêu dùng khác với Việt Nam, nên trước khi thâm nhập thị trường này, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ. Chẳng hạn với sản phẩm mì tôm, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ mùi vị để phù hợp với thị trường Ấn Độ.
Qua một số tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ gần đây, ông nhận định Ấn Độ có thông tin tình báo thương mại, hải quan rất tốt, do đó, trong thời gian ngắn có thể phát hiện ra những lô hàng khai không đúng giá trị, tên hàng. Do đó ông lưu ý doanh nghiệp Việt Nam nên tuân thủ pháp luật và khai đúng tên hàng hóa, để tránh trường hợp một khi đã bị phát hiện và bị phạt sẽ khó có cơ hội xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
Mặc dù Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại với thị trường Ấn Độ, nhưng đây là thị trường lớn nên chương trình xúc tiến này chưa thể đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp. Ông Thướng cho biết, Ấn Độ thường kết nghĩa với các thành phố nước ngoài, đây là cơ hội tốt để mở văn phòng đại diện các thành phố của Việt Nam tại Ấn để xúc tiến du lịch, hiểu biết về pháp luật, tập quán, cũng như tìm đối tác.