|
Vận tải từ đường sông, đường bộ ra biển, giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp, hạ nhiệt sự quá tải cho đường bộ, mở toang "mỏ vàng” kinh tế hướng biển… là những ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Bộ Giao thông Vận tải thiết lập tuyến vận tải biển Quảng Ninh - Quảng Bình; Quảng Bình - Kiên Giang. Như vậy, mạch màu giao thông của đất nước đã đầy đủ đường bộ, đường không, đường biển. Tất cả là để hướng tới mục tiêu cất cánh của đất nước.
Tương lai cất cánh đã đến
Tuy thời gian vận chuyển bằng tàu ven biển chậm gấp 2,5 - 3 lần so với vận chuyển bằng đường bộ. Nhưng tiện ích đối với các doanh nghiệp là chi phí vận chuyển chỉ bằng 1/5 đến 1/6 so với phương thức đường bộ. Việc mở thêm tuyến huyết mạch trên biển sẽ giảm chi phí trên các mặt, bảo vệ kết cấu đường bộ, môi trường. Nếu kết nối các tuyến đường sông nội địa, sự phát triển kinh tế sẽ có ngay trong tương lai gần. | Khi tuyến vận tải biển Quảng Bình - Quảng Ninh đã bắt đầu vận hành trơn tru, Bộ GTVT tiếp tục công bố mở tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình tới Kiên Giang và ngược lại. Theo đó, tuyến vận tải sẽ gồm hai chặng: Quảng Bình đến Bình Thuận và Bình Thuận đến Kiên Giang. Trong đó, tuyến Quảng Bình đến Bình Thuận có chiều dài bờ biển 858 km với 37 cửa sông lớn nhỏ đi qua vùng biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Tuyến vận tải còn lại từ Bình Thuận đến Kiên Giang có chiều dài bờ biển trên 700 km, đi qua vùng biển các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Đây là tuyến có 28.600 km sông, rạch trong đó có khoảng 13.000 km có khả năng khai thác vận tải với 25 cửa sông lớn nhỏ, thuận lợi cho tàu thuyền ra vào. Bộ GTVT cũng quy định, các phương tiện thủy nội địa, chặng tuyến này sẽ thuộc nhóm tàu SB (vận tải sông và biển), hoạt động cách bờ không quá 12 hải lý.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, việc mở tuyến chặng vận tải biển Quảng Binh đi Kiên Giang và ngược lại là quyết định mang tính chiến lược cho ngành vận tải biển. Tuyến quan trọng này sẽ giúp các doanh nghiệp, các chủ hàng có nhiều lựa chọn các loại hình vận tải, trong đó yếu tố giá thành tối quan trọng. Theo bảng giá hiện nay, vận tải thủy nội địa với giá cước chỉ bằng 1/3 cước vận chuyển đường bộ. Chi phí đầu tư cho đường thủy nội địa thấp hơn so với các phương thức vận tải khác. Ngoài ra, các yếu tố về môi trường, giảm tải đường bộ, tiện ích giao thương… của chặng tuyến Quảng Bình - Kiên Giang sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển đầy tiềm năng, tương lai sẽ là "mỏ vàng” cho đất nước.
"Chỉ sau 3 tháng chặng tuyến Quảng Ninh - Quảng Bình đi vào hoạt động đã có 233 lượt tàu trên biển, vận chuyển khoảng 409.000 tấn hàng hóa. Con số này tương đương với việc dùng 13.000 xe vận tải loại 30 tấn chuyên chở bằng đường bộ. Tiếp tục kết nối thêm tuyển Quảng Binh đi Kiên Giang, "huyết mạch” vận tải biển chính đã hình thành”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, khoảng 6 tháng gần đây, vận tải hàng hóa bắt đầu có sự chuyển dịch từ đường bộ sang đường sắt, đường sông, đường biển. Đã có một số cảng biển tại Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh... xuất hiện ùn ứ hàng hóa. Nhiều cảng hàng hóa và tàu thuyền đã tăng gấp đôi. Cụ thể như tuyến Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình,Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, trung bình mỗi tháng có khoảng 500 - 600 nghìn tấn. Như vậy, nếu vận chuyển bằng đường bộ, cần ít nhất khoảng 20.0000 lượt phương tiện/tháng. Song, nếu vận chuyển khối lượng tương đương bằng tàu, chỉ cần khoảng 600 lượt tàu/tháng. Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết, tuy thời gian vận chuyển bằng tàu ven biển chậm gấp 2,5 - 3 lần so với vận chuyển bằng đường bộ. Nhưng tiện ích đối với các doanh nghiệp là chi phí vận chuyển chỉ bằng 1/5 đến 1/6 so với phương thức đường bộ. Việc mở thêm tuyến huyết mạch trên biển sẽ giảm chi phí trên các mặt, bảo vệ kết cấu đường bộ, môi trường. Nếu kết nối các tuyến đường sông nội địa, sự phát triển kinh tế sẽ có ngay trong tương lai gần.
Cơ chế mới cho doanh nghiệp vận tải biển
Vẫn theo Cục trưởng Cục Hàng hải, mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng hiện nay phân khúc vận tải đường biển mới chỉ chiếm 17% thị phần, trong khi đó nhu cầu của của loại hình này đang gần chạm mức 90% tổng lượng hành hóa. Cả nước hiện có hơn 3.500 tàu S1 (tàu vận tải đường sông) có tải trọng từ 2.000 - 5.000 tấn. Hầu hết các tàu này đều đáp ứng tốt vận tải ven biển (không quá 12 hải lý) nhưng lại không được tham gia vào vận tải biển, đang là sự bất cập. Để khắc phục, Bộ GTVT chủ trương cho phép các tàu S1 chuyển sang tàu SB. Hiện mới chỉ có 300 tàu chuyển đổi từ tàu S1 sang SB để đưa vào khai thác. "Hiện nay, vấn đề đăng kiểm đang là bài toán khó cho các doanh nghiệp muốn chuyển đổi từ S1 sang SB. Đây rõ ràng là sân chơi mới. Chính vì vậy, cần phải có thêm những cơ chế mới, hoặc giản tiết các áp lực khi đăng kiểm, doanh nghiệp mới dám đầu tư, nâng cấp đội tàu, hướng ra thị phần tiềm năng đang bỏ ngỏ”, ông Nhật kiến nghị.
Còn theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, nếu như cách đây 2 năm, cả nước có 260 doanh nghiệp vận tải biển hoạt động, đến nay con số chỉ còn 140 doanh nghiệp đã giảm 46%. Sự suy giảm hoạt động của đội tàu biển đang khai thác cũng thể hiện qua việc số lượt tàu kiểm định năm 2014 giảm 22% so với cùng kỳ năm 2013, từ 1.022 lượt tàu xuống 797 lượt. Rõ ràng, kể cả khi có "sân chơi” như chặng tuyển Quảng Bình - Kiên Giang, việc thích ứng của doanh nghiệp vận tải biển cũng chưa thể tạo ra được đà bật như kỳ vọng. Ông Trần Đức Lanh, Giám đốc Công ty vận tải thủy Thái Hà cho biết, chủ tàu cần nhất cơ chế mở như tài chính, đăng kiểm, kết nối để xây dựng đội tàu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn rất nhiều khâu "đóng”, khiến doanh nghiệp biết lợi thế nhưng lực bất tòng tâm. Song hành với thị trường biển mở cửa, cần nhất hành lang pháp lý đủ mạnh, để doanh nghiệp "dám” một lần mạo hiểm.
Huyết mạch liên thông, "mỏ vàng” kinh tế hướng biển, cần thêm chiến lược bền vững. Đó chính là căn nguyên để trong tuần này, Bộ GTVT sẽ tổ chức cuộc đối thoại quan trọng với các doanh nghiệp vận tải biển, đưa ra những giải pháp cấp bách, để giúp doanh nghiệp thích ứng với "con đường kinh tế phát triển” đã định ra.
Theo Đại đoàn kết.
|