Giá xăng dầu 6 lần giảm liên tiếp từ đầu năm đến nay, thế nhưng các doanh nghiệp vận tải thì vẫn “án binh bất động”, khiến dư luận bức xúc đặt câu hỏi, phải chăng do thiếu sự quản lý giá cước vận tải nên các doanh nghiệp phớt lờ quyền lợi của người tiêu dùng?
Cái lý của doanh nghiệp
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Tô Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đà Nẵng lý giải: “Dù số lần giảm giá xăng dầu liên tục nhưng số tiền giảm… “quá hẻo”. Thông thường, giá nhiên liệu phải điều chỉnh ở mức trên 10% thì các doanh nghiệp vận tải mới trang trải đủ chi phí để làm các thủ tục giảm giá vé. Nhưng lần này, sau 6 lần xăng dầu giảm giá cũng chỉ ở mức từ 7 - 8%. Nếu hiệp hội điều chỉnh giá, cũng chỉ giảm được khoảng 3 - 4%. Con số này quá thấp, không đủ bù chi phí cho các dịch vụ in ấn, vé, thông báo giá cước”.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Vinh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa (Đà Nẵng) cho rằng: “Giá xăng dầu giảm nhưng biên độ giá giảm quá thấp, chưa đủ bù so với các đợt tăng giá trước đó. Đáng nói, khi xăng dầu tăng giá mạnh trước đó, đơn vị đã phải “cầm cự”, không tăng giá cước để bảo đảm sự cạnh tranh trên thị trường. Các đợt giảm giá nhiên liệu vừa qua có chăng chỉ giúp doanh nghiệp bù một phần chi phí những đợt tăng trước và áp lực chi trả phí bảo trì đường bộ”.
"Đối với doanh nghiệp vận tải, giá xăng dầu phải ở một ngưỡng nào đó thì họ mới điều chỉnh cước. Chi phí xăng dầu trong cước vận tải là cao nhưng không phải là toàn bộ, nên họ phải tiết giảm các chi phí khác. Khi thấy lợi nhuận tăng lên, để có sự cạnh tranh, bắt buộc doanh nghiệp vận tải phải tự hạ giá cước cho phù hợp với quy luật cung cầu”.
Ông Trần Quang Bình Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) |
Doanh nghiệp vận tải Trung Tín, có xe chạy tuyến cố định Đà Nẵng - Đồng Hới (Quảng Bình) cũng cho biết: “Thực tế, biên độ các đợt tăng giá xăng dầu khá lớn, có khi xăng tăng đến gần 30%, dầu tăng trên 20% nhưng khi giảm thì nhỏ giọt. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vận tải đã không tăng giá cước khi tăng giá xăng dầu nên khó có thể giảm giá cước trước các đợt giảm giá xăng dầu vừa qua”.
Cho biết thêm về nguyên nhân các doanh nghiệp chưa giảm cước vận tải, ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng cho rằng, mỗi đợt tăng giảm giá cước taxi không dễ, bởi các doanh nghiệp phải thống nhất một mức giá chung, rồi mới điều chỉnh lại đồng hồ tính cước với mức phí mất khoảng từ 150 - 250 nghìn đồng/đồng hồ. Chưa kể các thủ tục khác như điều chỉnh lại bảng giá đồng hồ tính tiền, niêm yết giá cước trên các chặng đường… khá tốn kém, mất thời gian. “Nếu biên độ tăng - giảm giá xăng dầu trên 10% thì chúng tôi mới điều chỉnh giá cước”, ông Nhân nói.
Tại TP Hồ Chí Minh, ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cũng cho rằng, giá xăng dầu giảm chưa đủ mạnh để điều chỉnh giá cước vận tải. Còn ông Trương Ngọc Thu, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch và Vận tải Phương Trang cho rằng, giá xăng giảm nhưng giá dầu vẫn giữ nguyên. Xe khách chạy bằng dầu nên giá vé không thay đổi.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, chi phí nhiên liệu trong giá cước vận tải lâu nay vẫn ở mức khoảng 40 - 45% đối với xe chạy dầu và 45 - 50% đối với xe chạy xăng. Vì thế, khi có biến động về giá nhiên liệu sẽ có những điều chỉnh về giá cước. Nhiên liệu cứ tăng, giảm bao nhiêu % thì cứ “cưa đôi” để điều chỉnh giá cước.
Cước vận tải không bị quản lý
Cũng theo ông Thanh, từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu đã giảm nhiều lần nhưng qua theo dõi tôi thấy biên độ giảm chỉ vài ba phần trăm nên việc điều chỉnh rất khó. Nhiều người đặt câu hỏi là nhiên liệu giảm rồi sao chưa thấy cước vận tải giảm, nhưng thực tế bao giờ giá cước vận tải cũng phải có độ trễ nhất định, kể cả khi tăng hay khi giảm.
“Giá xăng dầu điều chỉnh theo hướng giảm như năm nay, doanh nghiệp vận tải cũng dễ thở hơn. Tuy nhiên, các thủ tục để điều chỉnh cũng phức tạp nên có thể các doanh nghiệp còn phải nghe ngóng. Không những thế thời gian qua có những quy định mới về Quỹ Bảo trì đường bộ hay phát sinh việc thu phí qua các trạm BOT rồi cả việc Nhà nước tiến hành siết chặt hoạt động vận tải với nhiều quy định nâng cao hơn như phải lắp đặt thiết bị GSHT, tổ chức các bộ phận quản lý ATGT… nên vì thế mà cước vận tải chưa điều chỉnh ngay được”, ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Còn theo ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN): “Quy định giá cước hiện nay Chính phủ không quản lý mà do doanh nghiệp tự đăng ký. Vì thế giá cước cao hay thấp là do doanh nghiệp. Nếu giá cước của doanh nghiệp nào cao, hành khách sẽ không lựa chọn và ngược lại”.
Ông Bình cũng cho rằng, mức độ giảm giá xăng dầu rất thấp, nhỏ giọt, mỗi lần một ít và chưa chắc đã bù được phần tăng trước đó. Trong khi đó rất nhiều lần giá xăng dầu tăng nhưng cước vận tải cũng chưa kịp tăng. Lúc cước vận tải chưa kịp tăng, nhiên liệu lại giảm nên không thể nói là doanh nghiệp vận tải cố tình ghìm giá. Trong khi mỗi lần thay đổi cước vận tải, doanh nghiệp lại phải điều chỉnh đồng hồ và các thủ tục thông báo khác.
Theo Giao thông vận tải.