Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra việc định giá cước của doanh nghiệp vận tải
Ngày 30-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2015. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực.
Giá dầu giảm: Lợi nhiều hơn hại
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh trình bày cho thấy kinh tế vĩ mô tích cực hơn. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 giảm 0,2% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua. Sản xuất công nghiệp tăng cao; xuất khẩu ước đạt 12,9 tỉ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ… Tuy nhiên, theo ông Vinh, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có những tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế Việt Nam, nổi lên là giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh, xuống mức 44,41 USD/thùng (ngày 29-1) và có thể xuống 42 USD/thùng trong quý I/2015.
Các thành viên Chính phủ đã thảo luận, phân tích, đánh giá về diễn biến, tác động của giá dầu thế giới đến nền kinh tế. Giá dầu giảm đã ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác dầu thô của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; ngành dầu khí phải giảm sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn dầu, kéo tăng trưởng GDP xuống 0,2%.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tác động của giá dầu đến nền kinh tế nước ta là tác động 2 chiều, có cả khó khăn và thuận lợi, trong đó mặt thuận lợi nhiều hơn.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều đạt kết quả tích cực. Về tình hình giá dầu, Thủ tướng cho biết giá dầu thế giới giảm mạnh, thấp hơn so với mức dự báo khi tính toán các chỉ tiêu vĩ mô, cân đối thu chi ngân sách như đã trình Quốc hội. Tuy nhiên, mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,2% là khả thi, ngân sách vẫn cân đối được. “Dự báo giá dầu xuống 40 USD/ thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỉ đồng và như vậy chúng ta hoàn toàn có khả năng cân đối mà không làm đảo lộn các nhiệm vụ thu chi” - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,2%, không để đảo lộn cân đối ngân sách, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 5%. Ngân hàng Nhà nước cần quyết liệt xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đưa nợ xấu về mức 3%, giữ ổn định tỉ giá.
Tăng kiểm tra giá cước vận tải
Về giá cả, thị trường, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý thị trường; phòng chống buôn lậu; kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Đặc biệt là giá cước vận tải, Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra việc định giá của doanh nghiệp; yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá.
Thủ tướng chỉ đạo cần kiên định thực hiện giá thị trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, điện, than. Bảo đảm giá xăng dầu trong nước ở mức phù hợp trong tương quan với giá xăng dầu của các nước trong khu vực nhằm góp phần ngăn ngừa buôn lậu xăng dầu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, an sinh xã hội, bảo đảm cho đối tượng chính sách và người nghèo đón Tết, không được để nhân dân thiếu - đói trong dịp Tết...
Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị công an vào cuộc vụ “bút phê”
Đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội
Tối 30-1, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời câu hỏi của báo chí, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết việc văn bản của các cơ quan, các doanh nghiệp gửi đến bộ trưởng hay thứ trưởng thì có “bút phê” giao nhiệm vụ cho đơn vị cụ thể để xử lý văn bản là việc làm bình thường như tất cả các cơ quan khác. Nghĩa là văn bản gửi đến thì phải có “bút phê” giao nhiệm vụ. “Quy định về việc này đã được Bộ GTVT ban hành từ tháng 1-2014, trong đó ghi rõ “bút phê” chỉ là chuyển thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, tuyệt đối không phải là căn cứ ưu tiên để xét thầu, chỉ định thầu, lựa chọn nhà đầu tư…” - ông Thăng quả quyết. “Vì vậy, việc Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường có “bút phê” vào công văn đề nghị của doanh nghiệp gửi đến là đúng thẩm quyền, đúng quy định” - ông Thăng khẳng định.
Người đứng đầu ngành GTVT cho rằng thông tin của một số báo điện tử đưa về việc “bút phê” của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường là không đúng với nội dung tại văn bản của doanh nghiệp gửi đến và Thứ trưởng Trường đã có “bút phê”. Trong văn bản đó cũng có “bút phê” của giám đốc Ban Quản lý dự án 3 thuộc Tổng cục Đường bộ, tức là khi công văn đến thì Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký chuyển Ban Quản lý dự án 3 xử lý, sau đó giám đốc Ban Quản lý dự án 3 có ghi là chuyển Phòng Quản lý dự án 1 xử lý. “Sự thật chỉ có thế. Song một số báo lại trích dẫn rằng văn bản này Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã ghi là yêu cầu Tổng cục Đường bộ, Ban Quản lý dự án 3 xử lý là không đúng” - ông Thăng nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: “Căn cứ đề nghị của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và qua kiểm tra thực tế văn bản lưu tại Bộ GTVT, chúng tôi đã có văn bản báo cáo đề nghị Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an xem xét điều tra để xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Về một số tin nhắn “lạ” của một lãnh đạo doanh nghiệp liên quan tới Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: "Thông tin này là sai sự thật. Chúng tôi đã báo cáo Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và cũng đề nghị Tổng cục Cảnh sát điều tra theo đúng quy định của pháp luật".
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Nên cho biết Thủ tướng chỉ đạo VPCP hiện nay còn 1 mảng thông tin của Chính phủ chưa tham gia là mạng xã hội. “Thủ tướng thấy rằng cần tham gia trên mạng xã hội để đưa thông tin lên cho hàng chục triệu người đang sử dụng kênh thông tin này. VPCP đã chuẩn bị một đề án để báo cáo thông qua cấp thẩm quyền sau đó triển khai để có thông tin kịp thời, chính xác trung thực, giúp người dân hiểu và nắm được, yên tâm hơn”- ông Nên nói.
Theo Người lao động