Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp gần cuối năm là cảng Cát Lái và các tuyến đường dẫn vào cảng tại khu vực quận 2, quận 9, Thủ Đức… lại lâm vào tình trạng quá tải vì lượng hàng xuất nhập khẩu tăng cao. Trong khi đó, một số khu cảng khác không có hàng và phải tính chuyện chuyển đổi công năng.
Phải tạm ngưng dịch vụ
Từ đầu năm đến nay, tại cửa ngõ phía Đông TPHCM đã liên tục xảy ra kẹt xe, nhất là tại các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái như Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định và xa lộ Hà Nội đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến gần cầu Rạch Chiếc là nơi có cụm cảng Trường Thọ gồm các điểm thông quan nội địa (ICD) như Phước Long 3, Transimex, Phúc Long… và một số nhà máy thép, xi măng.
Theo nhận định của các DN logistics, nguyên nhân do từ dịp Tết Dương lịch đến nay, lượng hàng hóa luân chuyển từ cảng về các kho ngoại quan và ngược lại rất nhiều. Ngoài ra, lượng hàng nhập về để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán cũng tăng cao hơn mọi năm do nghỉ kéo dài. Cục Hải quan TPHCM cho biết lượng container xuất nhập khẩu tồn đọng tại cảng Cát Lái hiện tại vào khoảng 838 container.
Hàng hóa tồn đọng chủ yếu là xe ô tô, xe đào, xe ben, rượu, sắt, thép, hóa chất, hạt nhựa, mỹ phẩm, quần áo, thức ăn gia súc…
Phần lớn hàng tồn đều thuộc diện cấm, không đủ điều kiện nhập khẩu hoặc hư hỏng do thời gian lưu kho, lưu bãi quá lâu, thủ tục thanh lý chậm nên khi thanh lý, bán đấu giá tiền bán đấu giá không đủ bù đắp chi phí phát sinh. Lượng hàng này đang chiếm dụng một diện tích đáng kể kho bãi của cảng Cát Lái và gây ra tình trạng quá tải triền miên cho cảng này.
Để giải quyết tình trạng quá tải, từ ngày 1-1-2015 Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã phải ngưng dịch vụ đóng/rút container hàng khô tại bãi cảng Cát Lái. Đồng thời vận chuyển các container rỗng từ cảng Cát Lái ra các depot thuộc hệ thống bãi Tân Cảng Sài Gòn/Depot liên kết khi lượng tồn tăng cao.
Tuy nhiên về lâu dài, giải pháp là các cơ quan quản lý cần tiến hành rà soát lại quy hoạch cảng khu vực TPHCM, vì theo thống kê những năm gần đây, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái năm sau luôn tăng cao hơn năm trước từ 10-15%.
Báo cáo của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết năm 2014 cảng Cát Lái dẫn đầu cả nước về sản lượng khai thác, đứng trong top 34 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới. Tổng số lượng tàu chuyên chở container cập cảng Cát Lái gần 3.600 tàu, với tổng sản lượng xếp dỡ thông qua cảng 3,6 triệu TEU, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013.
Ngoài ra, cảng Cát Lái còn tiếp nhận thêm lượng hàng hóa của khu vực cảng Cái Mép với số lượng khoảng 300.000TEU. Trong năm 2015, dự kiến lượng hàng hóa qua cảng Cát Lái sẽ tăng lên 4,45 triệu TEU, trong đó lượng xuất nhập khẩu bằng container lên khoảng 4,1 triệu TEU.
Hiện nay UBND TPHCM đang có kế hoạch di dời các cảng tại khu vực phường Trường Thọ, quận Thủ Đức đến địa điểm khác phù hợp. Thời điểm di dời trong 2 năm 2015-2016, nhằm chuẩn bị tốt mọi điều kiện đưa vào khai thác đồng bộ xa lộ Hà Nội sau khi mở rộng.
Theo UBND TPHCM, do các cảng khu vực phường Trường Thọ chỉ cách xa lộ Hà Nội khoảng 400m nên hiện nay tình hình giao thông ra vào khu cảng này ngày càng phức tạp, không đảm bảo an toàn về giao thông đường thủy, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông trên trục đường xa lộ Hà Nội tại khu vực.
Chuyển thành khu đô thị?
Trong khi cảng Cát Lái và cụm cảng Trường Thọ luôn ở trong tình trạng quá tải, thì tại TPHCM vẫn có những khu cảng quanh năm vắng vẻ, đìu hiu và phải tính đến chuyện chuyển đổi công năng. Điển hình là cảng Phú Định nằm tại ngã ba sông Cần Giuộc - sông Chợ Đệm Bến Lức - kênh Đôi tại phường 16, quận 8.
Dù nằm ở vị trí khá tiện lợi, thế nhưng từ khi đi vào hoạt động chính thức năm 2011 đến nay số lượng tàu, thuyền ra vào cảng giao nhận hàng hóa mỗi ngày chỉ tính trên đầu ngón tay, làm cho cảng này hoạt động không hiệu quả.
Ông Trần Hòa Lan, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng sông TPHCM - đơn vị quản lý cảng Phú Định, cho biết: Cảng Phú Định được đầu tư với mục tiêu di dời toàn bộ bến bãi vận tải thủy nội địa nhỏ trong nội thành ra vùng ven, từ đó tập trung mạng lưới cảng sông, bến thủy nội địa; gom hàng hóa về một mối cũng như đáp ứng phục vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy giữa TPHCM với khu vực ĐBSCL.
Thế nhưng, sau khi giai đoạn 1 của dự án khánh thành đưa vào sử dụng, khối lượng hàng hóa lưu thông qua cảng không như mong đợi. Cụ thể, lượng hàng hóa lưu thông qua cảng hiện nay chỉ 1.000 tấn/ngày.
|
Cảng Cát Lái, TPHCM. |