Theo đó, giá xăng RON 92 giảm gần 1.900 đồng/lít, còn 15.670 đồng/lít; giá dầu diesel, dầu hỏa và dầu ma dút cũng giảm ít nhất hơn 1.000 đồng/lít. Như vậy, so với mức giá kỷ lục hơn 26.000 đồng/lít lập vào tháng 7-2014, giá xăng trong nước hiện đã giảm 40%.
Việc giá xăng dầu liên tục giảm đã tạo điều kiện để giảm mặt bằng giá cả trong nước, đặc biệt là cước vận tải. Theo chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, chi phí nhiên liệu trong giá cước vận tải ở mức khoảng 40%-45% đối với xe chạy dầu và 45%-50% đối với xe chạy xăng. Thế nhưng, điều bất thường là giá cước vận tải vẫn neo ở mức cao cho dù đã bị công luận chỉ trích rất nhiều.
Kết quả tổng hợp giảm giá cước vận tải của 38/63 tỉnh, thành trên cơ sở biến động giảm giá xăng dầu mà Bộ Tài chính công bố ngày 16-1 cho thấy giá cước vận tải taxi giảm trung bình từ 0,92%-26,32%, mức giảm phổ biến là 3%-10%; giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm trung bình từ 3%-21,7%. Giá xăng dầu giảm tới 40% mà giá cước vận tải giảm như vậy thì người tiêu dùng và dư luận không bất bình mới là chuyện lạ. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã lập nhiều đoàn đi thanh tra giá cước trên cả nước.
Giá xăng dầu giảm rất mạnh đang tác động lớn tới kinh tế vĩ mô, có thể khiến ngân sách giảm thu hàng chục ngàn tỉ đồng, làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Thế nhưng, theo tính toán của cả cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay các chuyên gia kinh tế, bù lại việc giảm giá xăng dầu sẽ giúp kéo mặt bằng giá cả xuống, kích thích sức mua, qua đó kích thích sản xuất, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nay, nếu bất lực với giá cước vận tải thì việc giảm giá xăng dầu chỉ tác động tiêu cực giảm thu ngân sách và giảm GDP, còn hiệu ứng tích cực lại chẳng thấy đâu. Để xảy ra kịch bản xấu này, có trách nhiệm rất lớn của cơ quan nhà nước hữu trách bởi hiện có đầy đủ công cụ về luật pháp cũng như lực lượng thực thi để buộc doanh nghiệp vận tải phải hạ giá xuống phù hợp với giá thành.
Theo Người lao động