Câu chuyện giá xăng dầu giảm, thậm chí giảm sâu đến 20% nhưng giá cước vận tải vẫn không giảm… đã gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Bà Mai Thị Thùy Linh, quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) kiến nghị tại một cuộc tiếp xúc cử tri, trước đây mỗi khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải tăng kéo theo sự tăng giá đồng loạt của nhiều mặt hàng. Thế nhưng, khi giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải lại không giảm nên kéo theo một số mặt hàng cũng không giảm. Bà Linh đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc kịp thời để mang lại sự công bằng cho người tiêu dùng, không thể để các DN “đục nước béo cò”, trục lợi trên lưng người tiêu dùng.
Thực tế đến thời điểm này, giá xăng giảm giá 10 lần, tổng cộng giảm hơn 5.390 đồng/lít, tương đương hơn 20%. Trong khi đó, giá cước vận tải vẫn không giảm so với kỳ vọng của người tiêu dùng. Việc giá cước vận tải không giảm gây ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng tiêu dùng khác bởi trong cơ cấu giá bán các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày đều được các nhà sản xuất, nhà phân phối hạch toán giá cước vận chuyển vào chi phí bán hàng.
Từ đó, đáng lẽ giá nhiều mặt hàng tiêu dùng phải được giảm theo giá xăng dầu nhưng đến nay, điều đó vẫn đang trông chờ các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra xử lý, thúc ép các DN vận chuyển hạ giá cước tương ứng. Hiện người tiêu dùng vẫn chưa nhận được sự tự giác hạ giá cước vận tải từ phía các DN, nhà xe…
Ông Trần Anh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Hân Thịnh Phát (Đà Nẵng) cho biết, hầu hết các mặt hàng phôi của DN đều nhập từ TP. Hồ Chí Minh về nên cơ cấu giá thành sản phẩm được cộng thêm phần chi phí vận chuyển. Việc các nhà xe, DN vận chuyển không giảm giá cước đồng thời cùng với giá xăng dầu không những gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mỗi DN sản xuất hàng hóa mà ngay cả người tiêu dùng cũng chịu thêm phần chi phí trả cho cước vận chuyển.
Ông Khoa lý giải thêm, trước đây lấy cớ giá xăng dầu tăng, các DN vận tải đã “làm giá” cước vận tải với DN, tự ý nâng giá cước khi chưa được sự đồng thuận của người thuê vận chuyển. Trong khi đó, thời gian qua giá xăng dầu liên tục giảm thì các nhà xe, DN vận chuyển lại không chịu hạ giá cước. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động làm ăn của DN.
Theo ông Khoa, nhiều khách hàng phản ánh, trước đây lấy lý do giá xăng dầu tăng để công ty tăng giá bán sản phẩm. Đến khi giá xăng dầu giảm, thì khách hàng cũng đòi hỏi phải giảm giá thành hàng hóa theo tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ giảm của giá xăng dầu. Chính điều này, bắt buộc công ty phải giảm giá đối với các sản phẩm mà DN đang cung cấp cho các khách hàng.
Thế nhưng, đến thời điểm này DN vẫn hoàn toàn không nhận được sự chia sẻ của các nhà xe, DN vận chuyển mà họ vẫn tìm mọi lý do, hứa hẹn chuyện giảm giá cước vận chuyển. Đây là điều hết sức vô lý, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN.
Theo khảo sát của chúng tôi, từ thực tế cho thấy, giá cước vận tải chỉ khi được các cơ quan chức năng kiểm tra mới được các nhà xe, DN vận tải điều chỉnh giảm. Thậm chí nhiều nhà xe, DN vận tải vẫn cố tình kéo giãn thời gian. Bên cạnh đó, các đoàn công tác cũng mới chỉ xoay quanh vấn đề cước vận tải, trong khi hầu hết các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm... cũng được dư luận quan tâm nhưng chưa được đề cập đến.
Thực tế từ thị trường hàng tiêu dùng cho thấy, những tháng qua mặc dù các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cơ bản có giảm, nhưng biên độ giảm quá nhỏ so với mức giảm của mặt hàng xăng dầu khoảng 20%. Chính những bất cập đó khiến người tiêu dùng chưa được hưởng lợi từ việc giảm giá xăng dầu. Thậm chí phải đợi khi ngành tài chính yêu cầu cơ quan thuế cùng vào cuộc, các DN mới bắt đầu rục rịch giảm giá...
Thực tế tại Đà Nẵng, mức giảm nhiều nhất là các hãng taxi, với tỷ lệ kê khai giảm trung bình từ 3-32%. Tuy nhiên, mức giảm giá cước chỉ dừng lại ở việc kê khai, còn trên thực tế rất ít DN áp dụng…
Hiện tại, các địa phương đang triển khai kiểm tra, rà soát, yêu cầu DN vận tải kê khai giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của giá xăng dầu, tình hình thị trường và điều kiện kinh doanh của DN theo chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính.
Trước sức ép của các cơ quan quản lý và dư luận xã hội, giá cước vận tải đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, DN vận tải chưa thật sự vì người tiêu dùng bởi các mức giảm mới chỉ dừng ở khâu đăng ký, kê khai, còn trên thực tế chỉ có vài DN giảm nhưng mức không đáng kể. Thậm chí, có DN chỉ giảm giá cước khi bị các cơ quan chức năng thực thi các biện pháp mạnh, có động thái vừa giảm vừa nhìn nhau, nhất là các DN taxi…
Thiết nghĩ, người tiêu dùng đang rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn nữa, bởi từ nay đến Tết Nguyên Đán là thời gian cao điểm trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Nếu không kịp thời giảm giá, người tiêu dùng sẽ tiếp tục chịu thiệt, còn các nhà xe, DN vận tải thì ung dung hưởng lợi…
Theo Thời báo Ngân hàng