Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như nông sản, rau củ quả, thủy hải sản… vào thị trường Nga rất lớn, nhất là khi 2 thị trường hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau
Ngày 8-10, Diễn đàn Thương mại Việt - Nga do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP HCM. Hơn 20 doanh nghiệp (DN) đến từ Nga trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghiệp phụ trợ, tài chính ngân hàng… đã trao đổi trực tiếp với DN Việt để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Chuyến đi lần này của các DN Nga với mong muốn tìm đối tác để liên doanh đầu tư, góp vốn hoặc đối tác phân phối cho các sản phẩm Nga tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI Chi nhánh TP HCM, Nga và Việt Nam là 2 thị trường hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau. Việt Nam có thế mạnh về sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm nhiệt đới, trong khi Nga là một thị trường khá dễ tính, không đòi hỏi chất lượng hàng hóa quá khắt khe như các thị trường Mỹ, EU, Nhật…
“Hàng hóa của Việt Nam dễ xâm nhập thị trường Nga hơn nhưng cần cải tiến chất lượng để có thể cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác trên thị trường này” - ông Thành nhấn mạnh.
Trong khi đó, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan dự kiến sẽ là cơ hội lớn để đẩy mạnh hàng Việt sang các thị trường này. Đồng thời, mở cánh cửa dẫn đến thị trường rộng lớn hơn như Bắc Mỹ, Tây Âu.
Hàng Việt xuất sang Nga sẽ được giảm thêm 25% thuế suất khi FTA giữa Việt Nam với liên minh này ký kết. Hiện theo lộ trình cam kết WTO của Nga, một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này sẽ chịu mức thuế thấp hơn từ 30%-50% như điện máy, thủy hải sản, dệt may…
Tại diễn đàn, Trưởng đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Golikov Maxim, cũng giải đáp những lo lắng của DN Việt trong ngành thép về việc nếu FTA được ký kết, thuế nhập khẩu thép vào Việt Nam sẽ về 0% và cạnh tranh trực tiếp với hàng nội địa. Hiện Nga là một trong những thị trường có quy mô sản xuất thép trong nhóm lớn nhất thế giới.
Ông Golikov Maxim cho rằng xuất khẩu thép từ Nga sang Việt Nam chiếm khoảng 6%-7% tổng sản lượng thép của Việt Nam và mức này thấp hơn nhiều nước, vùng lãnh thổ đang xuất khẩu vào Việt Nam như Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia…
Nếu xuất khẩu thép của Nga tăng gấp 2 lần khi FTA được ký kết với Việt Nam thì tỉ trọng cũng chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng ngành thép bản địa.
“DN Việt Nam không nên lo lắng thép nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất, chưa kể thép nhập từ Nga là những sản phẩm công nghệ cao nên không có sự cạnh tranh nhiều. DN nội địa cứ yên tâm sản xuất” - ông Maxim nói.
7 tỉ USD vào năm 2015
Thời gian qua, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Nga tăng trưởng ổn định ở mức khá cao. Năm 2013, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa 2 nước đạt gần 2,8 tỉ USD và trong 9 tháng đầu năm nay, con số này trên 1,8 tỉ USD (trong đó Việt Nam xuất siêu qua thị trường này). Mục tiêu giữa 2 nước là nâng kim ngạch thương mại lên 7 tỉ USD vào năm 2015 và 10 tỉ USD năm 2020.
Theo Người lao động.