Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như tập đoàn ADPi của Pháp, các tập đoàn Samsung, Công ty Cảng hàng không (CHK) Incheon của Hàn Quốc, các tập đoàn của Nhật Bản... bày tỏ sự quan tâm và sẵn sàng đầu tư vào dự án CHK quốc tế Long Thành.
Đã có phương án huy động hơn 7,8 tỷ USD
Dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành nhận được đa số phiếu thuận của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 32 diễn ra chiều 8/10.
Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định, dự án này ngoài việc đáp ứng ngay nhu cầu vận tải trước mắt khi CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải, còn để phục vụ chiến lược lâu dài là hình thành và phát triển CHK trung chuyển để nâng cao vị thế đất nước và vị trí ngành Hàng không VN.
Được biết, số tiền khái toán để đầu tư đến giai đoạn sau cùng của dự án là khoảng 18,7 tỷ USD trong đó khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (xây dựng nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, hai đường cất hạ cánh song song) là 7,837 tỷ USD (tương đương hơn 164.500 tỷ đồng).
Phó Vụ trưởng Vụ KH&ĐT Bộ GTVT Trần Minh Phương cho biết, đến thời điểm này, việc xác định nguồn vốn và giải pháp huy động vốn đã tương đối rõ, đáp ứng yêu cầu ở giai đoạn lập báo cáo đầu tư.
Cụ thể, trong giai đoạn 1, phần vốn Nhà nước (vốn ngân sách, TPCP, ODA…) khoảng hơn 84.600 tỷ đồng sẽ dành cho các hạng mục đầu tư có thời gian thu hồi vốn lâu. “Riêng vốn ODA (khoảng 1,6 tỷ USD), doanh nghiệp đầu tư vay lại vốn ODA từ Chính phủ và phải tự trả nợ”, ông Phương nhấn mạnh.
Vốn huy động khu vực ngoài Nhà nước (vốn doanh nghiệp, hợp tác công - tư (PPP) khoảng gần 80 nghìn tỷ đồng sẽ dành cho các hạng mục đầu tư có thời gian thu hồi vốn nhanh.
“Vốn ODA sẽ được huy động từ sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính quốc tế song phương và đa phương. Còn các hạng mục huy động vốn từ khu vực ngoài Nhà nước sẽ kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Cùng đó, sẽ tiến hành cổ phần hóa TCT Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) để kêu gọi các nguồn vốn tư nhân, cũng như tích lũy vốn để đáp ứng vốn đối ứng cho dự án như đã làm với công trình xây dựng nhà ga T2 Tân Sơn Nhất và Nội Bài”, ông Phương cho biết.
Ngoài ra, theo ông Phương, một số hạng mục (nhà ga hàng hóa, trạm nhiên liệu, hệ thống cấp điện bên ngoài, hệ thống cấp nhiệt, viễn thông…) sẽ do doanh nghiệp CHK VN, Vietnam Airlines, các hãng hàng không khác cũng như các nhà đầu tư tư nhân trong nước, nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến như: Pháp, Nhật, Hàn Quốc... tham gia đầu tư.
Áp lực lên nợ công không đáng kể
Đối với một số ý kiến cho rằng, việc đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành sử dụng một lượng lớn vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay của các tổ chức quốc tế có thể gây áp lực lên nợ công, ông Vũ Tuấn San, Trưởng ban Tài chính Kế toán ACV nói: Việc đánh giá tác động nợ công chủ yếu tính toán từ các khoản vay và khả năng hoàn trả vốn vay ODA. Mức vốn vay ODA khoảng 2,07 tỷ USD cho giai đoạn 1 sẽ được thực hiện theo cơ chế Chính phủ vay, doanh nghiệp vay lại.
“Tác động các khoản vay dự án lên GDP theo giá hiện hành của từng năm là không đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2016- 2019 và dự kiến chỉ vào khoảng 0,091% vào năm 2022. Hơn nữa, kết quả phân tích cho tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 22,1%, cao hơn tỷ suất chiết khấu xã hội (mức tiêu chuẩn EIRR cho các công trình công cộng tại Việt Nam trong khoảng từ 10% - 12%) nên dự án có khả năng trả nợ rất tốt”, ông San nhấn mạnh.
Cũng theo ông San, các dự án đầu tư trong lĩnh vực hàng không đều có hiệu quả tài chính tốt, doanh nghiệp vay lại vốn ODA được Chính phủ luôn đảm bảo tự trả nợ đúng hạn, cụ thể như dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 - Nội Bài.
Theo Giao thông vận tải.