Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp vận tải, để tháo gỡ khó khăn liên quan đến tải trọng xe container do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng tổ chức sáng 15-10, tại Hải Phòng, nhiều kiến nghị đã được doanh nghiệp đưa ra; trong đó mấu chốt là sức kéo của đầu kéo bị hạ xuống, do đó cần phải tính toán phương án tối ưu cho đầu kéo và sơ mi rơ moóc chở được hàng hoá vừa đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép vừa phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về tăng cường công tác quản lý "siết chặt kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện" đã nảy sinh nhiều khó khăn vướng mắc đối với hoạt động của các doanh nghiệp liên quan đến tải trọng của xe sơ mi rơ moóc. Để tháo gỡ khó khăn trên, Bộ GTVT đã có Công văn số 8034/BGTVT-VT về tạm thời chưa xử phạt vi phạm hành chính đối với một số trường hợp theo Nghị định 171/NĐ-CP như tạm thời không xử lý quá tải trọng trục xe và không xử lý xe chở hàng quá tải trọng thiết kế của phương tiện dưới 10%. Tiếp theo, ngày 10-7-2014, Bộ GTVT có Công văn số 8359/BGTVT-VT về việc tháo gỡ khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô cho phép điều chỉnh vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục của 7.105 sơ mi rơ moóc để được nâng tải trọng đối với sơ mi rơ moóc 2 trục là 33 tấn và 3 trục là 38 tấn.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng cho biết, trong quá trình thực hiện Công văn 8359/BGTVT-VT đã phát sinh một số khó khăn như tải trọng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của sơ mi rơ moóc khi đi kiểm định lại bị giảm tải so với tải trọng trước khi kiểm định. Sơ mi rơ moóc đủ điều kiện được điều chỉnh tăng tải trọng cho phép tham gia giao thông nhưng không có trong danh sách được điều chỉnh tăng tải trọng cho phép tham gia giao thông của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Sức kéo của đầu kéo cho phép thấp so với sức kéo thiết kế của nhà sản xuất không đảm bảo chở được hàng hoá. Cùng với đó chu kỳ của sơ mi rơ moóc có niên hạn sử dụng 20 năm ngắn, cứ 3 tháng phải kiểm định một lần. Quy định tải trọng trục xe thấp không phù hợp với tải trọng tổ hợp đầu kéo và sơ mi rơ moóc....
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thương mại Hà Anh kiến nghị, hiện nay còn nhiều sơ mi rơ moóc có tải trọng thiết kế cao nhưng tải trọng cho phép tham gia giao thông lại quá thấp gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải của doanh nghiệp do không tham gia vận chuyển được các container theo tiêu chuẩn quốc tế, điều này gây lãng phí và dẫn tới hiệu quả kinh doanh thấp cho doanh nghiệp. Về việc điều chỉnh tải trọng cho phép tham gia giao thông đối với sơ mi rơ moóc theo mức tổng tải trọng 33 tấn đối với sơ mi rơ moóc 2 trục và 38 tấn đối với sơ mi rơ moóc 3 trục chưa phù hợp bởi trên thực tế các container 40 feet hiện nay theo thông lệ quốc tế có trọng lượng hơn 30 tấn. Vì vậy, sơ mi rơ moóc 2 trục với mức tải trọng như vậy không thể vận chuyển được và có thể phải thanh lý hết để thay bằng sơ mi rơ moóc 3 trục.
Đại diện Công ty Cổ phần Dương Việt Nhật, ông Đào Minh Dương kiến nghị, chu kỳ đăng kiểm sơ mi rơ moóc nên điều chỉnh lên 12 tháng/1 lần thay vì quy định 3-6 tháng như hiện nay, để tạo điều kiện ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và tránh quá tải đối với các cơ quan đăng kiểm.
Theo báo Hải Quan.