|
Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Đường bộ Hải Phòng đã có hàng chục văn bản kiến nghị về xe siêu trường, siêu trọng, sơmi rơmooc gửi đến Bộ GTVT. Bộ GTVT cũng đã nhiều lần cử đoàn công tác tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, những kiến nghị này vẫn chỉ được... “chờ xin ý kiến”.
Mới đây nhất, Bộ GTVT đã cử đoàn công tác xuống đối thoại trực tiếp với các DN vận tải Hải Phòng nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến tải trọng container. Tại cuộc đối thoại nhiều kiến nghị đã cũ nhưng vẫn “rất nóng” lại được DN gửi đến đoàn công tác...
“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
Đại diện Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Đường bộ Hải Phòng cho biết, trước những kiến nghị của DN, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Văn bản 8034/BGTVT-VT về tạm thời chưa xử phạt vi phạm hành chính đối với một số trường hợp như: không xử lý quá tải trọng trục xe và không xử lý xe chở hàng quá tải trọng thiết kế phương tiện dưới 10%. Đồng thời, Bộ cũng có Văn bản số 8359/BGTVT-VT cho phép điều chỉnh vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục của 7105 sơmi rơmooc để nâng tải trọng đối với sơmi rơmooc 2 trục là 33 tấn và 3 trục là 38 tấn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện văn bản 8359 vẫn tiếp tục phát sinh khó khăn, vướng mắc.
Tại Hội nghị đối thoại DN về chính sách quản lý hoạt động vận tải đường bộ, Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Đường bộ Hải Phòng tiếp tục trình bày 4 tồn tại và kiến nghị:
Thứ nhất, tải trọng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của sơmi rơmooc khi đi kiểm định lại bị giảm tải so với tải trọng trước khi kiểm định, sơmi rơmooc đủ điều kiện được điều chỉnh tăng tải trọng cho phép tham gia giao thông nhưng không có trong danh sách được điều điều chỉnh tăng tải trọng cho phép tham gia giao thông của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Thứ hai, sức kéo của đầu kéo cho phép tham gia giao thông thấp so với sức kéo thiết kế của nhà sản xuất.
Thứ ba, chu kỳ kiểm định của sơmi rơmooc có niên hạn sử dụng 20 năm ngắn (theo quy định 3 tháng kiểm tra một lần).
Thứ tư, quy định tải trọng trục xe thấp không phù hợp với tải trọng tổ hợp đầu kéo và sơmi rơmooc. Mặc dù kiến nghị trên đã được lãnh đạo Bộ GTVT ghi nhận, xem xét và thành lập đoàn công tác đối thoại trực tiếp với DN vận tải Hải Phòng nhưng cũng chẳng khác nhiều những lần trước, lần này, đoàn công tác vẫn chưa thể giải đáp được hết các kiến nghị của DN, nhiều kiến nghị được đoàn “ghi nhận” và tiếp tục “xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng” .
Chờ đến bao giờ?
Tuy nhiên, sau đối thoại lần này, nhiều DN “cảm thấy thất vọng” vì... lại chờ “xin ý kiến”. | Theo các DN vận tải Hải Phòng, Bộ GTVT cần xem xét điều chỉnh lại tải trọng cho phép tham gia giao thông của sơmi rơ mooc. Vì hiện nay, tải trọng cho phép tham gia giao thông thấp nhiều so với tải trọng thiết kế. Các container 40 feet hiện nay theo thông lệ quốc tế có trọng lượng hơn 30 tấn như vậy thì các sơmi rơmooc 2 trục với mức tải thấp như quy định hiện nay thì không thể vận chuyển được. Nếu không có sự điều chỉnh thì DN có lẽ phải thanh lý hết để thay bằng sơmi rơ mooc 3 trục? Nhiều DN cũng khẳng định rằng, Hải Phòng còn có nhiều đầu kéo có tải trọng thiết kế kéo theo ở mức 38 tấn hoặc trên 38 tấn nhưng khi nhập vào Việt Nam tải trọng cho phép chỉ ở mức 37 tấn. Như vậy khi tham gia giao thông không thể kéo rơmooc 3 trục có khối lượng toàn bộ 38 tấn theo quy định tại Văn bản số 8539 của Bộ GTVT. DN đề nghị Cục đăng kiểm Việt Nam cần xem xét điều chỉnh tải trọng các đầu kéo và tải trọng của sơmi rơmooc bằng đúng tải trọng thiết kế của nhà sản xuất để vận chuyển được container theo tiêu chuẩn quốc tế…
Tuy nhiên, sau đối thoại lần này, nhiều DN “cảm thấy thất vọng” vì... lại chờ “xin ý kiến”. “DN vận tải phải chờ tới bao giờ mới được giải quyết những kiến nghị chính đáng của mình?” câu hỏi này DN không thể tự trả lời. Rất mong lãnh đạo Bộ GTVT sớm quan tâm, xem xét giải quyết dứt điểm các kiến nghị bằng văn bản cụ thể để DN ổn định, yên tâm sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Cty CP Vận tải An Vượng: Thời gian quá ngắn để chuyển tải
Ngành công nghiệp ôtô của VN còn tương đối non trẻ, thậm chí nhiều chi tiết ốc vít còn chưa sản xuất được. Vậy mà, một sơmi rơmooc nhập khẩu theo tiêu chuẩn nước ngoài về lại bị đem ra chỉnh sửa, dịch chuyển trục. DN vận tải còn hoài nghi về tay nghề của các đơn vị sửa chữa này. Theo như số liệu tại văn bản số 8359/BGTVT-VT về việc “tháo gỡ khó khăn cho đơn vị kinh vận tải hàng hóa bằng ôtô” thì có tới 7105 sơmi rơmóoc được cho phép điều chỉnh lại cụm trục để được nâng tải trọng. Chi phí cho việc điều chỉnh này mất khoảng 20 triệu/1 sơmi rơmooc. Nếu điều chỉnh lại hết thì mất hàng trăm tỷ đồng. Mỗi một sơmi rơmooc lại sửa mất khoảng 3 ngày. Mà cả nước cũng chỉ có vài điểm có đủ tiêu chuẩn để làm việc này, như vậy thì phải mất tới mấy chục năm. Vậy mà trong văn bản quy định việc điều chỉnh tải trục thời gian chỉ diễn ra trong vòng 6 tháng như thế là quá ngắn. Không những vậy mà điều chỉnh lại trục xe gây nguy hiểm, không an toàn, khi xe đi qua những đường gồ ghề hay đơn giản như đi qua đường ray tàu cũng có thể bật tung chốt nối liền giữa đầu kéo và sơmi rơmooc, container hàng có thể lật văng xuống...
Bà Thúy Hà - Phó giám đốc Cty TNHH Vận tải Hà Anh: Lãng phí nguồn lực
Các sơmi rơmooc có tải trọng thiết kế cao và đã được cho phép tham gia giao thông với tải trọng như thiết kế trong nhiều năm qua nhưng khi đi đăng kiểm thì bị giảm tải trọng. Vấn đề này đã được Cục đăng kiểm VN đã có hướng tháo gỡ và chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm xem xét điều chỉnh lại tổng tải trọng với mức 33 tấn đối với rơmooc 2 trục và 38 tấn đối với rơmooc 3 trục. Nhưng việc điều chỉnh này chỉ có giá trị đến 31/12/2014. DN vận tải đề nghị Cục đăng kiểm nói rõ lý do về việc hạn mức thời gian như trên và DN phải thực hiện những quy định nào mới được đăng kiểm có thời hạn như rơmooc thông thường. Điều này gây lãng phí và dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp cho DN vì các chi phí, vốn vay ngân hàng. |
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
|