Mặc dù là nước xuất siêu 3 năm liên tiếp nhưng Bộ Công thương vẫn đưa ra dự báo Việt Nam sẽ nhập siêu 6-8 tỷ USD vào năm 2015.
Theo báo cáo của Bộ Công thương 10 tháng năm 2014 Việt Nam đã xuất siêu 1,9 tỷ USD. Trong đó, doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 12 tỷ USD trong khi khối doanh nghiệp nước ngoài FDI xuất siêu gần 13,8 tỷ USD, chính vì vậy con số xuất siêu xuất phát từ doanh nghiệp FDI.
Vì vậy, Bộ Công thương khi xây dựng chỉ tiêu nhập xuất khẩu đã đưa ra dự báo năm 2014 Việt Nam sẽ xuất siêu 1,5 tỷ USD nhưng khi xây dựng kế hoạch năm 2015 theo đại diện Bộ Công thương Việt Nam có thể nhập siêu thay vì xuất siêu. Theo đó, chỉ tiêu năm 2015 Việt Nam sẽ nhập siêu 5% so với kim ngạch xuất khẩu.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết có 5 nguyên nhân chính khiến con số thay đổi như trên.
Cụ thể, hiện nay chủ yếu xuất siêu do doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay vẫn đang nhập siêu.
Năm 2012 các doanh nghiệp FDI tăng về xuất khẩu 31% nhưng năm 2013 tăng 22%, năm 2014 tăng 12%, tức là đang có xu hướng giảm dần do doanh nghiệp FDI đến ngưỡng của họ, mỗi doanh nghiệp có công suất nhất định, đạt được đúng dự kiến, công suất và lợi nhuận đặt ra.
Đồng thời, năm 2015 khả năng tăng trưởng xuất khẩu doanh nghiệp FDI sẽ không tăng nhiều như những năm trước.Từ trước đến nay tăng nhiều do mặt hàng điện thoại di động tuy nhiên kim ngạch điện thoại di động năm 2012 tăng 120,6% so với 2011, năm 2013 tăng 45,3% so với 2012 và 10 tháng đầu năm 2014 tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013.
Lý do thứ 2, năm 2015 được đánh giá mở ra nhiều cơ hội cho xuất nhập khẩu tuy nhiên trong giai đoạn đầu xuất khẩu của Việt Nam chưa có khả năng tăng cao về lượng do nguồn hàng trong nước chưa đáp ứng được cả số lượng, chất lượng thâm nhập vào thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Lý do thứ 3 kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng tốt hơn, triển vọng thu hút đầu tư cao chính vì vậy đầu tư nước ngoài đón bắt cơ hội Hiệp định ký kết gia tăng dẫn đến nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị.
Thứ 4 bất ổn chính trị trong quan hệ với Trung Quốc thời gian qua chỉ đạo của Chính phủ phải đa dạng xuất, nhập khẩu để không quá phụ thuộc vào một nước nào đó.
“Chính vì vậy khi nhập từ nước khác không phải Trung Quốc các mặt hàng chất lượng tốt hơn nhưng giá cao hơn tổng kim ngạch nhập khẩu cao hơn sẽ dẫn đến nhập siêu”, Thứ trưởng Hải nói.
Về lý do cuối cùng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, triển vọng phát triển qua các Hiệp định thương mại đối với các nước EU, Hàn Quốc, Nga, tương lai gần TPP, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đón bắt và nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch sang Việt Nam chính vì vậy họ sẽ phải nhập khẩu máy móc, nâng cao việc chúng ta phải nhập khẩu.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Hải một số nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động năm 2015 Việt Nam nhập khẩu than vì Việt Nam thiếu nguồn cung. Đồng thời nhà máy lọc dầu Dung Quất sắp tới sẽ nhập dầu thô về và chế biến trong nước.
“Vì vậy chúng tôi dự đoán mặc dù 2015 khả năng Việt Nam nhập siêu từ 6-8 tỷ USD tương đương 5% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Theo Bizlive