Tính chung 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ ước đạt 23,69 tỉ đô la Mỹ, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của Bộ Công Thương.
Báo cáo cho biết, ước tính, tháng 10-2014 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 2,84 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,4% so với tháng trước và vẫn duy trì tốc độ tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giày dép các loại, máy vi tính và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản… đều duy trì tốc độ tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.
Một báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy các số liệu tích cực tương tự. Tính từ đầu năm cho đến hết tháng 10-2014, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 20,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Về triển vọng xuất khẩu sang thị trường này, đang có rất nhiều hứa hẹn với các ngành hàng chủ lực như dệt may, giày dép và thủy sản.
Về hàng dệt may, 8 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ đạt 2,23% đạt 70,8 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Việt Nam đang ở mức cao nhất so với các nguồn cung khác, đạt mức tăng trưởng 13,8%.
Hiện xu hướng các tập đoàn sản xuất hàng dệt may chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn còn tiếp diễn. TAL Group, một trong những công ty sản xuất áo nam lớn nhất thế giới có trụ sở tại Hồng Kông, cũng đang có chính sách tương tự. Cứ 6 chiếc áo sơ-mi nam bán ra tại thị trường Mỹ thì có một chiếc do TAL Group gia công.
Cho đến nay, các nhà máy đặt tại Việt Nam chỉ chiếm từ 12-15% tổng sản lượng của TAL Group, nhưng tổng giám đốc hãng này, Roger Lee, tuyên bố với hãng tin Bloomberg trong vòng 2 năm tới tỷ lệ này sẽ tăng lên 25%.
Về hàng giày dép, mức nhập khẩu giày dép bình quân mỗi năm của Mỹ đạt khoảng trên 23 tỉ đô, trong đó tiêu thụ trung bình mỗi năm của một người vào khoảng 5 đến 6 đôi.
Nhà cung cấp giày dép lớn nhất tại Mỹ là Trung Quốc với tỷ trọng chiếm tới 85% tổng lượng nhập khẩu và gần 70% tổng kim ngạch nhập khẩu. Việt Nam là thị trường cung cấp giày dép lớn thứ 2 tới Mỹ với tỷ trọng đạt 7% trong tổng khối lượng nhập khẩu và gần 12% trong tổng kim ngạch nhập.
Về hàng thủy sản, báo cáo cho biết, tình hình xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường Mỹ đang gặp một số trở ngại do chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Do đó, dự đoán từ nay đến cuối năm xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam sang Mỹ sẽ chậm lại.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương đi Mỹ gặp khó khăn, bị trả hàng liên tục vì cá nhiễm vi sinh như khuẩn E.Coli, Salmonella…
Theo website của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), chỉ riêng lỗi vi phạm nhiễm khuẩn đã có trên 90 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nằm trong danh sách cảnh báo đỏ, buộc phải kiểm tra gắt gao. Ở Khánh Hòa, gần 10 doanh nghiệp có xuất khẩu cá ngừ bị nằm trong danh sách này.
Cùng với đó, tôm Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá cũng gây bất lợi cho ngành thủy sản. Theo phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), giai đoạn rà soát POR8 từ ngày 1-2-2012 đến 31-1-2013, có 32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam phải chịu thuế chống bán phá giá từ 4,98-9,75%.
Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC) cách đây không lâu đã công bố kết quả cuối cùng về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Việt đã phải chịu mức thuế cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, Tập đoàn thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%, Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75% và 30 công ty bị đơn khác 6,37%. Mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online