|
Dù hầu hết các doanh nghiệp (DN) cảng biển đều đã ký cam kết với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện nghiêm việc bốc xếp hàng hóa đúng tải trọng, nhưng thực tế mỗi nơi thực hiện một kiểu. Thậm chí, để lôi kéo khách hàng, một số cảng còn "phá giá" dịch vụ, gây thiệt hại lớn cho những cảng làm ăn chân chính, đúng quy định. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tăng cường kiểm soát việc thực hiện quy định siết chặt tải trọng.
Cạnh tranh thiếu lành mạnh
Giám đốc Cảng xăng dầu 19-9 (Hải Phòng) Tạ Thị Hiền, khi kể về những khó khăn gặp phải trong thời gian đầu thực hiện việc siết chặt tải trọng bốc xếp tại các cảng biển, không nén nổi bức xúc: "Ngay khi có quy định về việc siết chặt tải trọng, chúng tôi bắt tay ngay vào thực hiện rất nghiêm túc. Tuy là đơn vị kinh doanh cảng, chỉ phụ trách cho thuê kho bãi nhưng chúng tôi vẫn vận động chủ hàng, lái xe tuân thủ đúng chủ trương. Trước đây, hầu hết các xe bồn chở xăng dầu đều quá tải hai, ba lần. Nay xe nào quá tải đều bị giữ lại, yêu cầu cắt hoặc bớt khoang đến đúng tải mới cho xuất cảng. Kết quả, thời gian đầu thực hiện, Cảng xăng dầu 19-9 (Cảng 19-9) đã lâm vào cảnh "vắng như chùa Bà Ðanh", chỉ có thể hoạt động cầm chừng". Nhiều tàu là khách hàng đã lâu, khi nghe tin Cảng 19-9 quá nguyên tắc cũng chuyển sang cảng khác. Từ các chủ hàng, đến cánh lái xe đều than phiền về chuyện Cảng 19-9 thiếu linh động, trong khi những cảng khác lại rất "chia sẻ" với khách hàng. "Nếu cứ chiểu theo đúng quy định của Nhà nước mà phải chịu thiệt thòi, thua lỗ thì chắc chẳng DN nào chịu làm đúng nữa", giám đốc Tạ Thị Hiền nói. Giám đốc cảng Vật Cách Trần Duy Phúc cũng cho biết: Khu vực Vật Cách có gần 10 cảng và bến thủy nội địa. Nhiều đơn vị trong số này thường xuyên xếp hàng quá tải khiến khách hàng và cơ quan chức năng khi thí dụ về xếp hàng quá tải là nhắc ngay đến Cảng Vật Cách. Theo ông Phúc, khi thực hiện cam kết chở đúng tải, lượng hàng của đơn vị đã giảm mạnh, riêng hàng đóng bao giảm khoảng 20%. Nhiều tàu hàng khi nghe tin Cảng Vật Cách không xếp hàng quá tải đã chuyển đi các bến khác.
Mặc dù hiện nay tất cả 34 cảng trên địa bàn TP Hải Phòng đều đã ký cam kết thực hiện nghiêm túc quy định siết chặt tải trọng ngay từ cảng biển, nhưng qua khảo sát thực tế của chúng tôi, hiện vẫn có tình trạng xe bốc dỡ hàng quá tải được phép ra khỏi cảng và lưu thông trên đường. Chủ một DN vận tải ở Hải Phòng hé lộ, ngoài những cảng lớn, cảng nhà nước đang buộc phải thực hiện nghiêm việc siết chặt tải trọng xe xuất cảng do sức ép từ chính quyền, còn lại một số cảng nhỏ, cảng tư nhân, bến bãi,... vì lợi nhuận vẫn cố tình không thực hiện đúng cam kết, làm ngơ cho xe quá tải xuất cảng. Việc này đang tạo nên môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cảng biển, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các DN làm ăn chân chính. Tại nhiều cảng, nếu thực hiện nghiêm quy định tải trọng, sản lượng hàng hóa xếp dỡ chỉ bằng 30 đến 40% so trước đó, nguồn thu bị giảm đáng kể. Nếu các cơ quan chức năng không sớm vào cuộc, nhanh chóng xử lý những cảng vi phạm, có thể các cảng đang làm ăn chân chính sẽ có nguy cơ bị phá sản trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.
Bốc dỡ bột mỳ xuống sà-lan tại cảng Lê Quốc (Hải Phòng).
Không chỉ không tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước, một số cảng còn tùy tiện trong việc định giá. Tại cuộc đối thoại được tổ chức gần đây giữa Bộ GTVT và các DN cảng biển, nhiều DN phản ánh hiện tượng hạ giá các dịch vụ cảng đang diễn ra tràn lan và khó kiểm soát. Thí dụ, với dịch vụ bốc, xếp sắt thép, trước đây thu theo giá Bộ Tài chính quy định 3,1 USD/tấn, nay có những cảng chỉ thu 1,1 USD/tấn. Ðại diện của Công ty liên doanh Hoa Sen nhận định: Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, sẽ chỉ khiến chủ tàu nước ngoài được lợi, còn phần thiệt do các DN cảng Việt Nam phải gánh chịu. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GTVT nên ban hành giá sàn cho các dịch vụ cảng biển, để tránh tình trạng DN đua nhau phá giá như hiện nay. Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng Trương Văn Thái cho rằng: Rất khó để xác định đúng mức chi phí chuẩn để áp giá sàn chung cho các cảng lớn, nhỏ, có mức đầu tư cơ sở vật chất và dịch vụ khác nhau. Nhiều cảng do suất đầu tư thấp, cho nên có thể giảm giá thành để cạnh tranh theo đúng quy luật thị trường. Còn việc các cảng giảm giá, thực chất là có lợi cho người tiêu dùng, và việc đó cần khuyến khích. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công giải thích: Chủ trương của Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các DN cảng biển được hoạt động theo đúng quy luật thị trường, vì vậy theo quy định, Nhà nước không được phép điều tiết giá dịch vụ cảng. Chỉ có trường hợp đặc biệt như giá thuê công-ten-nơ, do liên quan mật thiết đến hoạt động xuất, nhập khẩu mới đưa vào diện bình ổn. Trong vấn đề này, chỉ có các hiệp hội cảng biển, với vai trò quyết định trong việc kết nối giữa các DN, sẽ tạo cơ hội giúp các cảng cùng ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung, bảo đảm lợi ích hài hòa cho tất cả các bên. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam trong thời gian tới cần xây dựng ngay kế hoạch, để giúp các hiệp hội cảng biển phát huy tốt hơn vai trò của mình trong việc làm cầu nối giữa các cảng biển và điều tiết thị trường.
Cần giải pháp đồng bộ, lâu dài
Theo Giám đốc Cảng xăng dầu 19-9 Tạ Thị Hiền, từ khi có sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ GTVT và TP Hải Phòng, việc kiểm soát tải trọng nghiêm ngặt hơn, tình hình tại cảng đã chuyển biến tích cực hơn. Khi tất cả các cảng đều phải thực hiện chở đúng tải trọng, khách hàng đã quay lại với Cảng 19-9 vì chất lượng phục vụ và hạ tầng xếp dỡ tốt. Hiện nay, hoạt động của cảng đã dần ổn định và trở lại quỹ đạo vốn có. Ðiều này cho thấy, chỉ khi những quy định của Nhà nước được thực hiện đồng bộ và liên tục, môi trường kinh doanh mới bảo đảm công bằng. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều DN, chủ trương siết chặt tải trọng xe là rất đúng đắn, nhưng cần phải có thời gian chuẩn bị để các DN kịp thời thay đổi phương thức kinh doanh. Thực tế cho thấy, rất nhiều DN cảng vẫn gặp nhiều lúng túng trong việc kiểm soát tải trọng hàng hóa. Theo Phó Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng Trương Văn Thái, với những loại hàng kiện, được đơn vị hóa rõ ràng, lái xe và nhân viên bốc xếp có thể thực hiện đúng tải trọng. Nhưng với mặt hàng như sắt vụn, gỗ cây, được bốc dỡ bằng "gầu ngoạm", rất khó có thể định lượng chuẩn. Thêm nữa, hàng công-ten-nơ nguyên kẹp chì của chủ hàng, khi quá tải, cảng không thể phá kẹp chì dỡ tải. Bên cạnh đó, tuy đã có quy định rõ ràng về tải trọng của xe xuất cảng, nhưng với xe vào cảng thì không. Nhiều trường hợp chúng tôi xác định xe vào cảng chở quá tải, nhưng cũng không thể yêu cầu xe quay lại, vì như thế lại tiếp tục phá đường. Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng Bùi Văn Minh chia sẻ: Có trường hợp xe từ nơi khác chạy đến, cân nhờ tại trạm cân của cảng. Trong trường hợp xe quá tải, các cảng cũng không biết cần xử lý thế nào, và nếu xe vi phạm, chạy ra đường, bị xử lý, có khi cảng đó bị vạ lây do hiểu lầm xe bốc xếp hàng hóa từ cảng đó.
Không riêng các DN cảng biển, các DN vận tải đường bộ cũng đang gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện kiểm soát tải trọng. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng Lê Văn Tiến bộc bạch: Hiện việc chuyển trục xe để bảo đảm chở đúng tải đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, chi phí thay đổi mỗi xe khoảng 20 triệu đồng, thời gian làm từ năm đến bảy ngày, thời gian đăng kiểm, đăng ký mới phải mất ít nhất ba ngày, tổng cộng hơn 10 ngày. Xe không hoạt động, nguồn thu bị mất đi, tính ra tốn kém khoảng 50 triệu đồng mỗi xe chuyển trục. Ngoài ra, TP Hải Phòng hiện có tới 3.000 xe cần chuyển trục, nhưng chỉ có bốn cơ sở đủ năng lực, tiêu chuẩn máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu, sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi hạn cuối mà cơ quan chức năng yêu cầu thay đổi toàn bộ các trục xe đã cận kề (ngày 31-12 tới đây). "Ðiều chúng tôi lo lắng nhất là các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ thực hiện thiếu quyết liệt, để xảy ra tình trạng "đầu voi đuôi chuột". Khi đó, những DN làm ăn chân chính, chịu thay đổi sẽ gánh chịu thiệt thòi nhất" - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng Lê Văn Tiến băn khoăn.
Tiếp thu ý kiến các DN, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp tổng thể và lâu dài, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp các địa phương, thành lập tổ công tác, thường xuyên giám sát việc siết chặt tải trọng tại tất cả các cảng biển và tuyến đường bộ. Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương hoàn thành và trình phương án ban hành giá sàn đối với các cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, tránh tình trạng "phá giá" như hiện nay.
Những nỗ lực của ngành GTVT nhằm tạo môi trường kinh doanh vận tải bình đẳng, minh bạch. Khi đó, những DN quen kiểu kinh doanh chụp giật sẽ hết "đất sống", tạo cơ hội cho các DN làm ăn chân chính phát triển. Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng đã khẳng định: Bộ GTVT sẽ có các giải pháp và hành động cần thiết, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của DN, tổ chức và cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải biển và cảng biển một cách kịp thời. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy sự hồi phục kinh tế biển nói chung và hàng hải nói riêng, phát huy cao nhất lợi thế này của đất nước để phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh - quốc phòng,...
Bộ Giao thông vận tải khẳng định, việc kiểm soát tải trọng xe sẽ được làm thường xuyên, liên tục và triệt để, bảo đảm công khai, minh bạch. Ngoài việc tổ chức kiểm tra đột xuất các cảng biển, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cảng vụ thường xuyên báo cáo đầy đủ tình hình hàng hóa qua các cảng hằng tháng. Bất cứ cảng nào có tình hình hàng hóa thay đổi bất thường, sẽ đưa ngay vào diện kiểm soát đặc biệt và sẽ bị xử lý nếu phát hiện vi phạm.
NGUYỄN VĂN CÔNG
Thứ trưởng Giao thông vận tải
Theo Nhân dân
|