Dù đang trong giai đoạn phát triển, nhưng mối quan hệ thương mại Việt- Đức trong thời gian tới sẽ còn tiến triển nhiều hơn nữa nhờ vào Hiệp định thương mại Việt Nam-EU dự kiến sẽ được ký kết trong thời gian tới.
Có thể nói, trong tiến trình CNH-HĐH, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về phát triển đầu tư công nghệ trong nhiều lĩnh vực kinh tế mà Đức có lợi thế. Hàng Việt Nam sang Đức còn thuận tiện tiếp cận nhiều thị trường khác. Theo ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Đức nằm ở trung tâm EU, giáp biên với Pháp, Thụy Sỹ, Áo, CH Séc, Ba Lan, Bỉ, Lúc-xăm-bua nên thuận lợi cho hàng Việt Nam chuyển sang các thị trường Châu Âu khác.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương Việt Nam cũng cho rằng, Đức là một trong số ít đối tác chiến lược của Việt Nam và là cửa ngõ cho hàng Việt Nam sang thị trường các nước Liên minh Châu Âu (EU). Liên minh châu Âu, trong đó Đức cũng đang dành cho Việt Nam thuế ưu đãi GSP cho giai đoạn mới có hiệu lực từ đầu năm 2014.
Tiến sĩ Benno Bunse, Cục trưởng Cục Thương mại và Đầu tư (GTAI) của CHLB Đức cho biết, Việt Nam từ lâu đã là nước nhập khẩu từ Đức các bí quyết công nghệ. Bằng cách đầu tư vào máy móc thiết bị sản xuất tại Đức, Việt Nam có thể trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Cũng theo ông Benno Bunse, các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ, thiết bị của Đức chính là đầu tư cho khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Ngược lại, Việt Nam đang và sẽ là một đối tác phát triển quan trọng của Đức. Đức cam kết giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững hơn. Cục Thương mại và Đầu tư CHLB Đức sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động của mình sang Đức cũng như sang các thị trường Châu Âu.
Để tăng sự có mặt tại thị trường Đức, ông Marko Walde cho rằng, các DN VIệt Nam cần phân tích thông tin về xu hướng thị trường Đức, xu hướng tiêu dùng, tìm hiểu về những sản phẩm phù hợp, các yêu cầu của thị trường về tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm. Các DN Việt Nam cũng nên tham gia những hội chợ thương mại uy tín tại Đức như một kênh giới thiệu, phân phối hàng hóa hữu hiệu. Ngoài ra, các DN Việt Nam cần tham dự những diễn đàn và các sự kiện giao thương để nắm bắt thông tin thị trường, tiếp cận đối tác tiềm năng, quan tâm tới đối thủ cạnh tranh và sản phẩm cạnh tranh, văn hóa kinh doanh ở thị trường Đức...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Đức là một trong những thị trường khó tính về chất lượng sản phẩm tại EU vì thế các DN Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh và nên có chứng nhận về chất lượng như ISO 9001, TL 9000, AS 9100…, chứng nhận an toàn và sức khỏe môi trường như ISO 14001, SS 506, QC 080000, hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn (SHMS), quản lý an toàn các chất gây hại (SMHS), chứng nhận an toàn thực phẩm như ISO 22000, FSSC 22000..
Hiện có khoảng 1.000 người Đức sống và làm việc ở Việt Nam, trong khi có tới 120.000 người Việt Nam sống và làm việc ở Đức, vì vậy đây cũng được xem là cầu nối hiệu quả cho các hoạt động hợp tác kinh doanh giữa hai nước. Đặc biệt, với giai đoạn hiện nay khi Việt Nam và EU đang khẩn trương kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do thì việc đẩy mạnh kết nối giữa các DN Việt Nam và Đức sẽ giúp làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức. Hiệp định FTA Việt Nam – EU sau khi được ký kết sẽ tạo them nhiều điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Đức cũng như thị trường các nước EU.
Theo vccinews