Theo số liệu chính thức từ Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong nửa đầu tài khóa 2014 (từ tháng Tư đến tháng Chín) ở mức thấp kỷ lục 2.023,9 tỷ yen trong bối cảnh thâm hụt thương mại gia tăng "át vía" nguồn thu nhập tăng từ đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian này, tài khoản thu nhập cơ bản - phản ảnh lợi nhuận thu được từ đầu tư nước ngoài - tăng 1,4% so với cùng kỳ tài khóa trước đó lên 9.148,7 tỷ yen, mức cao nhất đối với nửa đầu tài khóa nhờ đồng yên suy yếu.
Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa của Nhật Bản trong cùng kỳ thâm hụt 4.397,4 tỷ yen, kéo thặng dư tài khoản vãng lai - một trong những thước đo đánh giá hoạt động thương mại quốc tế của một quốc gia - xuống mức thấp nhất trong nửa đầu tài khóa; trong đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ tài khóa trước lên 40.564,1 tỷ yen, do nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng tăng lên; còn kim ngạch xuất khẩu tăng 5,5% lên 36.166,8 tỷ yen.
Trong khi đó, các cân thương mại dịch vụ, gồm vận chuyển hành khách và hàng hóa, của Nhật Bản thâm hụt 1.815,2 tỷ yen trong giai đoạn hoạt động trên.
Trong nửa đầu tài khóa 2014 bắt đầu từ tháng Tư vừa qua, tỷ giá của đồng yen so với đồng USD và euro giảm lần lượt xuống các mức tương ứng 103 yen/USD (mất 4,2% giá trị) và 138,90 yen/euro (mất 6,9% giá trị).
Một số chuyên gia phân tích dự đoán thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản sẽ còn tiếp tục tăng do đồng yen trượt giá được coi là động lực giúp gia tăng lợi nhuận từ các dự án đầu tư nước ngoài, qua đó có thể bù đắp chi phí nhập khẩu năng lượng gia tăng bởi sự ngưng trệ sản xuất điện hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima hồi tháng 3/2011.
Song, một số chuyên gia khác cho rằng cán cân tài khoản vãng lai của Nhật Bản không có khả năng phục hồi hoàn toàn, vì tốc độ phục hồi của hoạt động xuất khẩu có thể chậm lại khi nhiều nhà chế tạo Nhật Bản đã chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài trong nỗ lực nhằm làm giảm bớt những tác động tiêu cực do đồng yen mất giá trước đó.
Sự mất giá của đồng yen gần đây cũng được dự báo là sẽ tiếp tục làm tăng chi phí nhập khẩu, qua đó ngăn thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản tăng nhanh.
Đồng yen xuống giá thường hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và làm gia tăng lợi nhuận từ các dự án đầu tư nước ngoài, do doanh thu và thu nhập ở nước ngoài tăng theo tỷ giá đồng yen, nhưng lại đẩy chi phí nhập khẩu tăng. Hoạt động nhập khẩu đáp ứng 90% nhu cầu năng lượng và khoảng 60% nhu cầu thực phẩm của Nhật Bản.
Riêng tháng Chín vừa qua, Nhật Bản công bố thặng dư tài khoản vãng lai tăng 61,9% lên 963 tỷ yen (8,4 tỷ USD), tháng tăng thứ ba liên tiếp, do đồng yen yếu đi đã giúp các nhà đầu tư Nhật Bản gia tăng lợi nhuận khi chuyển tiền về nước. Con số này lớn hơn nhiều so với mức dự báo trung bình 532 tỷ yen của thị trường./.
Theo TTXVN/VIETNAM+