Sẽ loại bỏ 26 loại phí, lệ phí; Bắc Ninh có thêm 2 dự án “chục triệu đô”; Cục Hàng Không VN đề nghị giảm trần giá cước máy bay do giá xăng giảm … cũng là những thông tin đáng chú ý trong ngày.
Bộ Công Thương yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh giá điện
Văn phòng Bộ Công Thương vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại buổi họp giao ban công tác tuần vào ngày 5-12.
Theo đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giao nhiêm vụ cho Cục Điều tiết điện lực chủ trì phối hợp với Tổng cục Năng lượng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sẽ loại bỏ 26 loại phí, lệ phí
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phí và lệ phí. Theo đó sẽ có 22 loại phí, 4 loại lệ phí được đưa ra khỏi Danh mục phí, lệ phí, gồm: Phí giám định tư pháp; Phí đấu thầu; Viện phí; Phí kiểm định phương tiện đo lường; Phí kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu; Phí bảo lãnh, thanh toán khi được cơ quan, tổ chức cấp dịch vụ bảo lãnh, thanh toán.
Theo đó, cũng sẽ bỏ một số loại phí sau ra khỏi Danh mục hiện hành, gồm: Phí kiểm định phương tiện vận tải, phương tiện đánh bắt thủy sản; Phí kiểm định kỹ thuật máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; Phí kiểm nghiệm trang thiết bị y tế.
Tháng 11 xuất siêu trở lại
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 11/2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 13,23 tỷ USD; giảm 6% so với tháng trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 12,79 tỷ USD; giảm 9,1% so với tháng trước.
Kết quả đạt được trong tháng 11 đã nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước sau 11 tháng năm 2014 ước đạt 136,94 tỷ USD; tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 134,06 tỷ USD; tăng 11,8% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 2 tháng liên tục nhập siêu; tháng 11 cả nước đã xuất siêu khoảng 440 triệu USD; nâng mức thặng dư thương mại từ đầu năm đến hết tháng 11/2014 đạt khoảng 2,88 tỷ USD.
Samsung có thể rót 20 tỷ USD vào Việt Nam
Bộ KH&ĐT vừa có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình đầu tư của Tập đoàn điện tử Samsung (Hàn Quốc) tại Việt Nam thời gian qua. Theo đó, từ tháng 6/2014 tới nay, Samsung đã và đang triển khai một số dự án “tỷ đô” tại Việt Nam. Ngoài lĩnh vực điện tử, tập đoàn này còn xúc tiến đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác.
Điển hình, ngày 14/10, Cty Samsung C&T và Bộ Công Thương ký ghi nhớ phát triển dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), theo hình thức BOT. Dự án có công suất 1.200 MW điện, tổng vốn đầu tư 2,45 tỷ USD. Dự kiến báo cáo khả thi sẽ trình Chính phủ vào tháng 2/2015. Trong lĩnh vực giao thông, Samsung cũng quan tâm tới dự án xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai).
Bắc Ninh có thêm 2 dự án “chục triệu đô”
Ngày 15/12, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho Công ty TNHH Srithai Việt Nam và Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam với tổng vốn đăng ký 70 triệu USD đầu tư vào KCN VSIP Bắc Ninh.
Việc cấp GCNĐT cho 2 dự án này đã nâng tổng số dự án được Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp mới trong năm 2014 lên 130 dự án.
Cục Hàng Không VN đề nghị giảm trần giá cước máy bay do giá xăng giảm
Trước bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, Cục Hàng Không Việt Nam (HKVN) đề nghị giảm giảm mức tối đa khung giá cước vận chuyển.
Theo đó, Cục HKVN đề nghị điều chỉnh giảm mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng vé phổ thông. Cụ thể, Cục HKVN cho hay giá nhiên liệu bay Jet A1 giảm mạnh, mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cần được xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình biến động của giá xăng dầu.
Theo Infonet