Các nước OPEC có còn tiếp tục kề vai sát cánh? Các nhà sản xuất dầu của Mỹ sẽ thiệt hại nặng nề?
Cuối năm 2014, đà giảm của giá dầu đã “lật ngược” bàn cờ địa chính trị của thế giới. Năm 2015, cả thế giới đang đón chờ xem ai là người có thể khôi phục giá dầu và nắm lấy vai trò thị trường. Đó sẽ là nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Tổng thống Nga Vladimir Putin hay các công ty khai thác dầu từ đá phiến của Mỹ?
Giá dầu thế giới đã giảm 49% trong năm 2014. Những người hi vọng giá hồi phục nhanh chóng có thể cảm thấy thất vọng bởi tiêu dùng của toàn thế giới đang tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ năm 2009, các công ty Mỹ đạt sản lượng cao nhất kể từ những năm 1980 và cuộc chiến về giá đang khiến tình hình xấu đi.
Jeff Colgan, giáo sư đến từ Viện nghiên cứu Watson trực thuộc ĐH Brown, nhận định đây là thời điểm bước ngoặt trong cách mọi người nhìn nhận OPEC. Mới đây tổ chức vốn được coi là đang thao túng thị trường dầu mỏ thế giới đã tuyên bố sẽ không can thiệp vào thị trường mà sẽ để yếu tố cung cầu quyết định giá. “Thực chất đây là câu chuyện về ngành fracking, về câu hỏi liệu các nhà sản xuất ở Bắc Mỹ chịu đựng được đến đâu”, Colgan nói.
Dưới đây là 5 câu hỏi lớn về thị trường dầu mỏ thế giới trong năm 2015.
Các nước OPEC có còn tiếp tục kề vai sát cánh?
Nhóm các nước kiểm soát khoảng 40% thị trường dầu mỏ đã có những dấu hiệu bị chia rẽ.
Kể từ tháng 1/2012, trung bình mỗi ngày các thành viên OPEC đã sản xuất nhiều hơn 886.000 thùng so với mức trần 30 triệu thùng/ngày. Đi theo quyết định không cắt giảm sản lượng được đưa ra sau cuộc họp hồi tháng 11 ở Vienna, một số nước thậm chí cảm thấy không còn cần thiết phải tuân thủ mức trần sản lượng.
Trong khi đó, nhu cầu của chính các nước thuộc OPEC hiện đang ở mức thấp nhất 12 năm và thấp hơn 1 triệu thùng so với mục tiêu về sản lượng.
Ở mức giá hiện nay, tất cả các nước OPEC trừ Kuwait và Qatar đều không thể cân bằng ngân sách. Tuy nhiên, thành viên lớn nhất là Saudi Arabia chủ trương không giảm sản lượng. Nước này có đủ nguồn lực để chiến thắng trong cuộc chiến về giá, nhưng chính bản thân Saudi Arabia và các nước OPEC khác sẽ phải trả giá đắt.
Các nhà sản xuất dầu của Mỹ sẽ thiệt hại nặng nề?
Các nhà giao dịch và giới phân tích cho rằng quyết định để giá rơi tự do của Saudi Arabia là một thách thức lớn đối với các công ty sản xuất dầu mỏ từ đá phiến của Mỹ. Ít nhất một chục nhà sản xuất “dầu nhẹ” đã lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cũng hạ dự báo về sản lượng.
Cổ phiếu và trái phiếu của các công ty năng lượng Mỹ cũng đã giảm điểm mạnh với một số nhà đầu tư lo ngại tổn thất có thể lan ra toàn thị trường. Trong khi đó một số công ty đang tận dụng thời cơ để tái cấu trúc.
Nhu cầu trên toàn cầu có thể hồi phục?
Lực cầu yếu do tăng trưởng của các nền kinh tế châu Âu và châu Á suy giảm đã đẩy dầu mỏ vào “thị trường con gấu’. Theo chiều ngược lại, các ngân hàng Citigroup và Goldman Sachs dự báo giá dầu giảm sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) kỳ vọng lượng dầu tiêu thụ sẽ tăng thêm 900.000 thùng/ngày trong năm 2015, cao hơn mức 700.000 thùng của năm 2014. Tuy nhiên, nhu cầu về xăng ở Mỹ gần như không thay đổi do các phương tiện giao thông ngày càng tiết kiệm năng lượng và người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn.
Mỹ sẽ xuất khẩu nhiều dầu hơn?
Giá dầu giảm đang làm dấy lên cuộc tranh cãi về lệnh hạn chế xuất khẩu dầu. Các nhà sản xuất muốn tiếp cận với mức giá cao hơn ở thị trường nước ngoài trong khi các công ty lọc dầu muốn giữ lợi thế về chi phí.
Nếu luật thay đổi, Mỹ có thể xuất khẩu khoảng 1,5 triệu thùng/ngày. Vấn đề này càng nổi cộm đối với Quốc hội khóa mới, đặc biệt là khi Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski đến từ bang Alaska – người phản đối chính sách này mạnh mẽ nhất – có tiếng nói lớn hơn.
Bất ổn chính trị có thể gây gián đoạn nguồn cung?
Tháng 6, khi bạo lực bùng phát ở Ukraine và Nhà nước hồi giáo đe dọa Baghdad, giới phân tích tự hỏi liệu giá có thể lên cao tới bao nhiêu sau khi đã chạm mốc 114 USD/thùng. Giờ đây, câu hỏi lại là giá dầu còn giảm đến mức nào sau khi đã giảm xuống dưới mốc 60 USD/thùng.
Venezuela đang đối mặt với lạm phát và dòng vốn tháo chạy. Sản lượng của Libya tăng gần 4 lần từ tháng 4 đến tháng 10 (khi căng thẳng hạ nhiệt) nhưng đã giảm 32% chỉ trong tháng 11. Sản lượng của Iraq cao nhất 13 năm trong khi nước này vừa đạt được thỏa thuận bán nhiều dầu hơn cho vùng tự trị Kurdish.
Nếu Iran đồng ý cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy nới lỏng cấm vận, nước này đặt ra mục tiêu tăng gần gấp đôi sản lượng, lên mức 4,8 triệu thùng/ngày. Ở Nga, lệnh cấm vận của phương Tây cùng đà giảm giá của mặt hàng xuất khẩu chủ lực khiến nước này phải đối mặt với suy thoái, khủng hoảng tiền tệ và lạm phát phi mã.
Theo CafeF