Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Các hội giao nhận ASEAN đưa ra ý kiến về việc điều chỉnh giá cước các loại hình vận tải sau thông tin điều chỉnh giá xăng dầu ngày 22/12.
Nhiều ý kiến cho rằng dù có đến hơn 10 lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu từ đầu năm 2014 tới nay nhưng giá cước vận tải vẫn khá cao, ông có nhận định gì?
Với loại hình vận tải bằng xe tải, ôtô thì chi phí xăng dầu chiếm khoảng 60%, máy bay khoảng 30%. Như vậy khi giá xăng dầu giảm 20-30% thì giá vận tải cũng phải giảm bởi theo kết cấu giá mua giá bán thôi.
Dĩ nhiên tâm lý của người bán hàng cung cấp dịch vụ thì lúc nào cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận, ít khi nào muốn giảm giá bán trừ trường hợp bắt buộc.
Khi có một doanh nghiệp giảm thì theo tâm lý cạnh tranh các doanh nghiệp sẽ đồng loạt giảm theo. Vấn đề ai sẽ giảm trước?
Phương tiện ôtô, xe tải ngoài khấu hao tài sản ra chỉ còn nhiên liệu, tài xế mà khấu hao tài sản và tài xế thì không chiếm nhiều trong tổng giá thành của một sản phẩm, dịch vụ vận tải.
Nên khi giá xăng dầu giảm sâu như vậy thì người bán hàng cũng nên điều chỉnh giá thành.
Vậy chúng ta nên có những giải pháp nào, thưa ông?
Về phía cơ quan quản lý nhà nước đã có yêu cầu, về phía doanh nghiệp nên có hành động phù hợp với thị trường đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước bởi nếu cứ giữ giá cao, giá thành lên xuất khẩu không được, tiêu dùng trong nước yếu.
Đồng thời các hiệp hội ôtô, vận tải, logistics nên có sự trao đổi, ngồi lại với nhau chứ bản thân doanh nghiệp thì sẽ giữ tâm lý người ta cứ mua thì mình cứ bán.
Cần những doanh nghiệp đầu đàn tiên phong, chẳng hạn một doanh nghiệp đầu tàu công bố giá xăng giảm 30% thì chúng tôi cũng giảm 30%... như vậy sẽ tạo hiệu ứng cạnh tranh và các DN khác sẽ giảm theo. Chẳng hạn như lĩnh vực bất động sản cũng vậy, căn hộ hôm nay 30 triệu/m2 mai giảm còn 20 triệu thì các doanh nghiệp khác cùng chất lượng cũng giảm theo…
Lúc nào mua hàng cũng ưu tiên chọn sản phẩm, dịch vụ giá rẻ. Như chúng tôi làm dịch vụ logistics hàng không trong đó phải đi thuê máy bay, khoảng mấy tuần trước trước tình hình giá dầu giảm mạnh chúng tôi đã yêu cầu phía đối tác phải điều chỉnh giá cho thuê, nếu không giảm chúng tôi sẽ tìm đơn vị cung cấp khác bởi lợi nhuận của doanh nghiệp là quan trọng.
Theo ông loại hình vận tải nào nên tiên phong trong việc điều chỉnh giảm giá cước?
Theo tôi lĩnh vực vận tải ô tô phải tiên phong giảm trước bởi chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn. Chẳng hạn chi phí đầu vào của taxi gồm xe, tài xế và xăng dầu là chủ yếu. Máy bay lại khác, đầu vào cả trăm, thậm chí cả ngàn mà đầu ra chỉ có hai gồm hành khách và vận chuyển hàng hóa.
Ôtô không chạy được có thể bỏ vào garage cất máy bay thì không làm như vậy bởi doanh nghiệp thuê nguyên tháng là phải trả một cục rồi, một tháng phải chạy tối thiểu là 300 giờ và nếu cất trong kho cũng phải trả, máy bay bắt buộc không có tồn kho, mà phải khai thác.
Theo bizlive