Bộ Nông nghiệp và Thủy sản của Oman vừa ban hành quyết định gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm sống, thịt gia cầm chưa qua xử lý và trứng ấp từ Việt Nam.
“Cánh cửa” mới
Động thái này có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng gia cầm. Bởi lẽ, theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương, tuy dân số chỉ hơn 3 triệu người, nhưng Oman lại có GDP bình quân đầu người rất cao, gần 27 ngàn USD/năm. Tổng thu nhập quốc nội năm 2013 đạt trên 80 tỷ USD.
Hàng năm, quốc gia này phải nhập khẩu trên 30 tỷ USD hàng hóa các loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, do nằm trong khối thị trường chung các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) với hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông, cảng biển khá phát triển, Oman còn có thể đóng vai trò là thị trường trung chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 50,36 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Oman đạt 31,18 triệu USD, nhập khẩu đạt 19,18 triệu USD. Đáng chú ý, nếu như năm 2013 Việt Nam nhập siêu từ Oman trên 15 triệu USD thì 9 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu 12 triệu USD sang quốc gia này. Cú “lật ngược thế cờ” đó là nhờ việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu sang Oman. Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã đưa vào thị trường này 38 sản phẩm và nhóm sản phẩm. Trong khi đó, con số này năm 2013 chỉ có 31 sản phẩm.
Nhiều kỳ vọng hợp tác
Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Việt Nam và Oman là hai thị trường có tính bổ sung cho nhau. Việt Nam có nhu cầu lớn đối với nhiều nguyên liệu mà Oman đang sản xuất. Ngược lại, Oman cũng có nhu cầu cao về lương thực và các loại hàng hóa tiêu dùng.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Oman gồm: Tàu thuyền, cà phê, điện thoại di động và linh kiện, thủy sản, lưới đánh cá, máy móc phụ tùng, máy vi tính và linh kiện, hạt tiêu. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu chất dẻo nguyên liệu và hóa chất từ Oman.
Tuy Việt Nam đã xuất siêu sang Oman, song so với nhu cầu nhập khẩu 30 tỷ USD/năm, Việt Nam mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Việt Nam và Oman dù mới thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2002 nhưng hai nước đều rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ nhiều mặt nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có tại mỗi nước. Việt Nam và Oman đã ký kết một số hiệp định quan trọng, tạo nền tảng pháp lý cho quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển như: Hiệp định Hợp tác hàng không (28/6/2003), Hiệp định Thương mại (5/2004), Hiệp định chống đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (4/2008), Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1/2011).
Trên nền tảng đó, theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Việt Nam và Oman cần tận dụng các lợi thế nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế trên mọi lĩnh vực, đa dạng hóa cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu hai chiều, tăng cường các hoạt động đầu tư trên nền tảng là các thỏa thuận đã được ký kết; thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như dầu khí, lao động, khai thác và chế biến nông - thủy sản./.
Theo VEN