Đại diện gần 40 doanh nghiệp lớn của Ấn Độ đang có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội thương mại cũng như đầu tư trong nhiều ngành nghề, trong đó có dệt may.
Có mặt tại buổi giao lưu thương mại Việt Nam – Ấn Độ diễn ra tại TPHCM hôm nay 21-1, ông Milind Hardikar, Giám đốc điều hành Tập đoàn Welspun Group (Ấn Độ) - được xem là tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất sản phẩm dệt gia dụng như khăn tắm – cho TBKTSG Online biết Welspun đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Ông Hardikar cho biết Welspun hiện kéo sợi, sản xuất vải, và các sản phẩm may mặc để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU. Và, tập đoàn có thể lập dự án sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Mỹ vì ông thấy cơ hội lớn tại đây khi Việt Nam tham gia Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, hiện công ty vẫn đang tìm hiểu cơ hội để đưa ra quyết định.
Đại diện của Welspun Group đang cùng với đại diện của gần 40 công ty lớn của Ấn Độ trong các ngành như dệt may, da giày, dược phẩm, nông sản, thực phẩm chế biến, cơ khí, ngân hàng đang thăm Việt Nam từ ngày 18 đến 22-1-2015.
Phái đoàn này đi cùng với ông Rajeev Kher, Thứ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ, đến tham dự cuộc họp lần thứ hai Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ diễn ra hôm 20-1 tại Hà Nội giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Ấn Độ. Tại buổi giao thương hôm 21-1 tại TPHCM, ông Rajeev Kher cho biết, chính phủ hai nước đều muốn tìm những giải pháp để tăng cường hợp tác hơn nữa trong nhiều lĩnh vực.
Trong lĩnh vực dệt may, theo ông Rajeev Kher, Ấn Độ là nhà sản xuất lớn về bông, sợi nhân tạo, và Việt Nam có thế mạnh về ngành dệt may. Theo đó, Ấn Độ có thể cung cấp bông cho ngành dệt và vải cho sản xuất hàng may mặc của Việt Nam. Vải, sợi dệt của Ấn Độ hiện có thể cạnh tranh với bất kỳ nước nào, và Ấn Độ sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam để đảm bảo nguồn cung thường xuyên cho ngành may mặc của Việt Nam, ông nói.
Bên lề buổi giao lưu, ông Siddhartha Rajagopal, Giám đốc điều hành của Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu sợi cotton (Texprocil), nói với TBKTSG Online: “Chúng tôi thực sự nghiêm túc trong việc xem xét cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong ngành dệt may. Trong tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam đã thăm và gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ, hai bên đã có những cam kết để thúc đẩy hợp tác. Và chúng tôi đang có những nỗ lực để thúc đẩy thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dệt may.”
Theo ông Đỗ Hữu Huy, Vụ trưởng Vụ Tây Phi - Tây Nam Á (Bộ Công Thương), trong cuộc họp lần thứ hai của Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ diễn ra hôm 20-1, Bộ Công Thương Việt Nam và Ấn Độ đã ký thỏa thuận song phương thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
Việt Nam cũng đề nghị Ấn Độ bỏ dần những rào cản đang làm hạn chế xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ như việc tăng thuế đối với hạt điều, và điều tra tự vệ, chống bán phá giá với một số sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, như máy chế biến nhựa... Ngoài ra, Ấn Độ cũng cam kết cấp tín dụng 300 triệu đô la Mỹ cho phát triển hợp tác về dệt may giữa hai nước.
Kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ trong năm 2014 đạt khoảng 5,6 tỉ đô la Mỹ, trong đó Việt Nam xuất khẩu với kim ngạch 2,5 tỉ đô la Mỹ. Hiện hai nước đang phấn đấu để đạt kim ngạch song phương 7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015 và 15 tỉ đô la Mỹ vào 2020.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online