Kết thúc năm 2014, kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam – Liên bang Nga giảm 7,6% so với năm 2013, trong đó xuất khẩu 1,7 tỷ USD, giảm 9,3% và nhập khẩu 820,2 triệu USD, giảm 3,84%.
Việt Nam xuất khẩu sang Nga các mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện thoại; dệt may; cà phê, thủy sản, giày dép, hàng rau quả…. trong đó mặt hàng điện thoại và linh kiện có kim ngạch cao nhất, 674,1 triệu USD, chiếm 39% thị phần, tuy nhiên năm 2014 xuất khẩu mặt hàng này sang Nga lại giảm, giảm 14,19%.
Đứng thứ hai về kim ngạch là mặt hàng dệt may, đạt 136,7 triệu USD, tăng 2,1% so với năm trước…
Nhìn chung, năm 2014, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nga đều giảm ở hầu khắp các mặt hàng, số mặt hàng có tốc độ xuất khẩu tăng trưởng dương chỉ chiếm 41,6%, đáng chú ý xuất khẩu mặt hàng sắt thép, tuy kim ngạch chỉ đạt 11,1 triệu USD, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng vượt trội, tăng 45,25%.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Nga năm 2014 –ĐVT: %
(Nguồn số liệu: Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ)
Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu từ thị trường Nga các mặt hàng như xăng dầu, phân bón, máy móc thiết bị… trong đó mặt hàng xăng dầu có kim ngạch nhập cao nhất 302,1 triệu USD, tăng 5,25%, kế đến là mặt hàng phân bón đạt 138,3 triệu USD, tăng 13,10% so với năm 2013…
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên Xô và Liên bang Nga ngày nay (30/1/1950-30/1/2015), ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết, sau 65 năm quan hệ đó đã là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ này được dựa trên truyền thống tình cảm qua lại, tình anh em nồng ấm với nguyên tắc cơ bản trong luật pháp quốc tế, đó là quyền tự quyết của nhân dân trong việc quyết định vận mình của mình mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài và quyền được tự do và độc lập.
Hiện nay quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đó bao quát toàn bộ các lĩnh vực quan hệ giữa hai nước từ đối thoại chính trị, quan hệ kinh tế thương mại, hợp tác đầu tư, khoa học kỹ thuật, nhân văn, quốc phòng, kỹ thuật quân sự…
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực kinh tế thương mại, Ngoại trưởng Nga khẳng định, hợp tác kinh tế hai nước phát triển tốt.
Ông cho biết, năm ngoái lần đầu tiên chúng ta đã vượt qua ngưỡng 3 tỷ USD kim ngạch trao đổi thương mại và đặt ra nhiệm vụ đưa con số đó lên 10 tỷ USD vào năm 2020. Theo ông, nhiệm vụ này là hoàn toàn khả thi bởi chúng ta đang có những dự án lớn, nhiều triển vọng.
Nhấn mạnh đến lĩnh vực năng lượng, Ngoại trưởng Nga cho biết, đã có thoả thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực dầu khí hai nước đã có truyền thống hợp tác tốt đẹp và triển vọng sáng sủa với sự hợp tác của các công ty Nga như: Gasprom, Rosneft, Zarubeneft với Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam PetroVietnam trong việc thăm dò và thực hiện các dự án chung khai thác một cách hiệu quả các mỏ dầu không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn trên lãnh thổ Liên bang Nga.
Ngoại trưởng Nga tin tưởng rằng, quan hệ kinh tế thương mại hai nước sẽ có thêm một xung lực mới với việc kết thúc đàm phán và đi đến ký kết Thoả thuận thiết lập Khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Thoả thuận đó sẽ được ký kết ngay trong năm nay.
Theo Bộ Công Thương