Cảng hàng không Phú Quốc được chỉ đạo bán trong năm nay; chuyển nhượng quyền khai thác một phần cảng hàng không Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng...
Sau nhiều thương vụ kêu gọi vốn tư nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng hạ tầng sân bay bất thành, rốt cuộc, Công ty CP Hàng không Vietjet trở thành doanh nghiệp đầu tiên được nhượng quyền khai thác một phần sân bay quốc tế Nội Bài.
Muốn được chủ động kinh doanh
Vietjet xin nhượng quyền khai thác toàn bộ nhà ga hành khách T1 - khu vực bay nội địa của sân bay Nội Bài. Do việc này chưa có tiền lệ nên trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đồng ý chủ trương DN này được nhượng quyền khai thác một phần nhà ga T1 là khu vực sảnh E. Ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc phát triển dự án của Vietjet, cho biết DN xin nhượng quyền khai thác một phần sân bay Nội Bài muốn được chủ động trong hoạt động khai thác và cần có cơ sở hạ tầng vững chắc tại các cảng hàng không (CHK) để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng bền vững.
Nếu được nhượng quyền khai thác, Vietjet được toàn quyền cải tạo nâng cấp và chịu trách nhiệm về kết cấu hạ tầng điều chỉnh sao cho phù hợp với hoạt động thực tế của hãng. Tất nhiên, nhà nước vẫn nắm quyền điều hành để bảo đảm quyền lợi của các hãng hàng không khác khi cùng khai thác trên mặt bằng chung.
Ông Tùng cho biết sắp tới Vietjet và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ đàm phán để thống nhất chi phí nhượng quyền khai thác sảnh E. “Tổng đầu tư sảnh E là 500 tỉ đồng với thời hạn khấu hao là 10 năm. Nếu thỏa thuận nhượng quyền khai thác trong vòng 20 năm thì chắc chắn chi phí chúng tôi phải bỏ ra phải cao hơn rất nhiều so với số tiền đầu tư nói trên vì ACV chỉ bán khi có lãi” - ông Tùng nói
Không có chuyện không xã hội hóa được!
Kể từ khi nhà nước có chủ trương huy động vốn tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào hạ tầng sân bay, có rất nhiều nhà đầu tư ngỏ ý nhưng đều thất bại vì nhiều lý do. Nay việc xã hội hóa vốn xây hạ tầng sân bay đang tháo được nút khi Bộ GTVT phê duyệt đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không”. Ước tính nhu cầu vốn dành cho lĩnh vực này lên tới 230.215 tỉ đồng cho giai đoạn 2015-2020.
Để hiện thực hóa đề án này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo bán toàn bộ CHK Phú Quốc ngay trong năm 2015; chuyển nhượng quyền khai thác một phần CHK Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng cho các nhà đầu tư để lấy vốn xây dựng các sân bay mới, đặc biệt là CHK quốc tế Long Thành. Ông Thăng khẳng định không có công trình nào không xã hội hóa được, vấn đề là bàn xem làm cách nào, cần chính sách gì.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết lĩnh vực hàng không còn nhiều dư địa để phát triển, chỉ số hành khách trên dân số hiện nay ở nước ta mới được 1/3 trong khi đó của Mỹ là 3 lần, Singapore là 10 lần. Ông cho rằng không thể khuyến khích DN đầu tư máy bay hiện đại mà lại không có các CHK đủ khả năng tiếp nhận.
Bộ trưởng Thăng yêu cầu các đơn vị có có liên quan rà soát lại toàn bộ hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để có những bổ sung, sửa đổi cần thiết để làm căn cứ thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo xã hội hóa lĩnh vực hàng không do bộ trưởng làm trưởng ban; thành lập ban chuẩn bị đầu tư CHK quốc tế Long Thành. “Tất cả những gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm. ACV, các đơn vị khác chỉ làm những cái mà tư nhân không làm được hoặc tư nhân không được quyền chi phối. Thoái vốn tất cả những gì mà nhà nước không cần tham gia” - bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Người lao động.