Chu kỳ giảm và bình ổn giá xăng dầu vẫn đang được duy trì từ tháng 7-2014 đến nay nhưng không loại trừ khả năng giá mặt hàng này sẽ sớm tăng trở lại
Hai yếu tố đe dọa đến giá xăng dầu trong thời gian tới là Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) sẽ nhanh chóng cạn kiệt và thuế bảo vệ môi trường đang được đề xuất điều chỉnh.
Quỹ BOG: Trích ít, xả nhiều
Không chỉ tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất, ngày 24-2, Bộ Công Thương cho biết giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường có dấu hiệu tăng trở lại mà thực tế, giá mặt hàng này đã tăng nhẹ từ trước Tết. Tuy nhiên, trong 2 kỳ điều hành giá liên tiếp trước và sau Tết Ất Mùi, giá xăng dầu tiếp tục được giữ bình ổn ở mức thấp nhất trong 4 năm qua. Đổi lại, Bộ Công Thương đã phải sử dụng triệt để Quỹ BOG trong cả 2 lần.
Ngày 5-2, trích Quỹ BOG xăng khoáng giảm 460 đồng/lít xuống còn 340 đồng/lít, dầu hỏa giảm 280 đồng/lít còn 520 đồng/lít, dầu ma dút giảm 530 đồng/kg còn 270 đồng/kg. Riêng dầu diesel tăng mức trích quỹ thêm 20 đồng/lít, lên 820 đồng/lít.
Tới ngày 24-2, mức trích quỹ tiếp tục giảm nhằm giảm áp lực lên giá xăng dầu. Cụ thể, xăng khoáng giảm trích quỹ 40 đồng/lít xuống còn 300 đồng/lít, xăng E5 ngừng trích lập quỹ từ 40 đồng/lít xuống 0 đồng/lít, dầu diesel giảm 520 đồng/lít còn 300 đồng/lít, dầu hỏa giảm 220 đồng/lít còn 300 đồng/lít, riêng dầu ma dút tăng 30 đồng/kg lên mức 300 đồng/kg.
Song song với đó, mức xả quỹ được điều chỉnh khá mạnh để bù đắp cho khoản chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành. Trong đó, đối với xăng các loại, xả quỹ bình ổn ở mức 2.448 đồng/lít, dầu diesel xả quỹ 1.350 đồng/lít, dầu hỏa 1.693 đồng/lít và dầu ma dút là 2.015 đồng/kg
Đại diện một doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu phía Nam đánh giá tỉ lệ giữa trích và xả quỹ như trên là rất lớn. “Mỗi lít xăng dầu được bù từ quỹ gấp nhiều lần so với mức đóng góp thì Quỹ BOG rất nhanh hết” - doanh nhân này nhận định.
Thực tế, theo công bố của Bộ Tài chính, số dư Quỹ BOG tính đến hết năm 2014 là gần 4.019 tỉ đồng - mức tích lũy lớn nhất từ trước tới nay. Trong đó, riêng Petrolimex có số dư quỹ là 2.160 tỉ đồng, chiếm đến 50% số quỹ tích lũy. Tuy vậy, với mức xả quỹ như trên, theo tính toán của các DN, chỉ sau khoảng 2-3 tháng, quỹ sẽ cạn kiệt.
Do Quỹ BOG có hạn, lại đang từng ngày giảm đi do trích nhỏ và xả lớn nên theo đại diện một DN xăng dầu, cơ quan quản lý nhà nước cần linh hoạt áp dụng hài hòa các biện pháp, trong đó có thể tăng giá 1 phần, phần còn lại được bù đắp bằng số dư quỹ. Hơn nữa, biện pháp điều hành linh hoạt cũng góp phần hạn chế kìm hãm giá, dẫn đến việc tăng giảm giật cục như cách đây vài năm.
Đề xuất tăng thuế môi trường
Cách đây không lâu, Chính phủ đã có tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt, thừa ủy quyền của Thủ tướng ký gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015. Theo đó, Bộ Tư pháp đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi biểu thuế bảo vệ môi trường, đưa vào chương trình xây dưng luật, pháp lệnh năm 2015.
Về nguyên nhân, tờ trình nêu rõ do giá xăng dầu có dấu hiệu giảm mạnh và còn diễn biến phức tạp nên làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách nhà nước, gây khó khăn cho ngân sách năm 2015. Cụ thể, từ quý II/2014 đến nay, giá dầu thế giới đã giảm rất mạnh, từ 111,81 USD/thùng xuống còn 46,01 USD/thùng, chưa có dấu hiệu dừng lại và còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, từ ngày 1-1, Việt Nam sẽ bắt đầu phải thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Trong khi đó, thuế suất bảo vệ môi trường hiện nay đối với xăng dầu chỉ ở mức sàn là 1.000 đồng/lít với xăng A92, 500 đồng/lít với dầu diesel và 300 đồng/lít với dầu hỏa. Khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu cho phép mức trần là 4.000 đồng/lít với xăng, 3.000 đồng/lít với dầu diesel và 2.000 đồng/lít với dầu hỏa.
Cẩn trọng với đề xuất tăng thuế
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ khiến gánh nặng thuế trên mỗi lít xăng lớn hơn khiến DN sản xuất và người tiêu dùng phải đối mặt với tăng chi phí thông qua việc tăng giá xăng. Do đó, cần hết sức cân nhắc trước quyết định tăng thuế. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sẽ diễn ra hết sức sâu rộng trong năm bản lề 2015, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Cần tham khảo các nước trên thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN về cách đánh thuế môi trường lên các mặt hàng năng lượng. Nếu không cẩn thận, vì nguồn thu ngân sách mà đánh thuế xăng dầu cao quá thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN, trong khi DN Việt Nam đang thua kém nhiều nước về khả năng này”.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng cho rằng việc tăng thuế để bù thu ngân sách là không thuyết phục mà cần khoan sức dân và có biện pháp siết chi lãng phí.
Theo Người lao động.