Theo Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại VCCI, bà Trần Thị Thu Hương, để tận dụng được lợi thế của AEC-cộng đồng kinh tế ASEAN-được thành lập vào năm 2015, DN Việt Nam cần nắm được lộ trình giảm thuế của cộng đồng kinh tế này, từ đó xây dựng kế hoạch cho sản xuất, kinh doanh.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), ông Lương Hoàng Thái, cho hay: Tới đây, Việt Nam sẽ phải cắt giảm thuế đối với các mặt hàng thường được loại trừ ra khỏi phạm vi các hiệp định FTA truyền thống như: xăng dầu, thuốc lá. Chậm nhất tới năm 2018, Việt Nam phải xóa bỏ các biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với đường, muối, trứng gia cầm và thuốc lá.
Bên cạnh đó, khi AEC hình thành, rất nhiều sáng kiến thuận lợi hóa thương mại quan trọng như: Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, hệ thống tự chứng nhận xuất xứ, hài hòa hóa tiêu chuẩn và công nhận lẫn nhau... sẽ được triển khai. Ngoài ra, ASEAN cũng đẩy mạnh việc xử lý các biện pháp phi thuế quan và thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp. Về dịch vụ và đầu tư, ASEAN hướng tới mức độ tự do hóa cao, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, thông qua Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA).
Theo ông Lương Hoàng Thái, khi gia nhập vào AEC, nền kinh tế cũng như các ngành sản xuất của Việt Nam sẽ đứng trước các cơ hội và thách thức lớn. Khi không còn những ngăn cách về biên giới kinh tế, hàng hóa, dịch vụ và vốn được lưu chuyển tự do trong ASEAN thì bất cứ DN hay nhà đầu tư ASEAN đều có cơ hội như nhau trong việc tận dụng, phát huy ưu thế của thị trường chung 10 nước ASEAN. Để làm được việc này, cần theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết về AEC, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... từ đó đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết sau khi AEC hình thành, việc không còn rào cản thuế quan, hay thuế suất bằng 0 là lợi ích to lớn nhất khi AEC định hình, bởi đây chính là “liều thuốc bổ” kích thích xuất khẩu, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên. Tuy nhiên, nếu rào cản thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn và mang lại lợi ích kinh tế lớn thì quy tắc xuất xứ lại nổi lên như một rào cản mới đối với DN. Bởi để được hưởng các ưu đãi trên thì hàng hóa các nước trong khối ASEAN phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ từ các nước này, theo tỷ lệ được quy định cụ thể đối với từng mặt hàng. Đây chính là sức ép đối với các DN, phải có lộ trình thích nghi, thay đổi phù hợp.
Việc không còn rào cản thuế quan, hay thuế suất bằng 0 là lợi ích to lớn nhất khi AEC định hình.
Bà Trần Thị Thu Hương cho biết, từ nay đến năm 2015, DN còn chưa đầy một năm để chuẩn bị cho lộ trình cắt giảm thuế quan theo AEC mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, khoảng 90% dòng thuế giảm còn 0% vào năm 2015, nhưng chỉ thực hiện ở 6 nước, còn 4 nước là Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar thì được linh hoạt đến năm 2018. Do đó, DN phải xem những dòng thuế nào của Việt Nam có lộ trình tới năm 2015, dòng thuế nào có hiệu lực vào năm 2018 và những năm tiếp theo Việt Nam còn dòng thuế nào.
Ngoài ra, đối với việc tận dụng những lợi thế về ưu đãi thuế quan do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, DNViệt Nam đang bỏ lỡ nhiều cơ hội. Tại Việt Nam, việc tận dụng lợi thế trên để xuất khẩu còn hạn chế. Thống kê cho thấy tỷ lệ giấy chứng nhận C/O mẫu D (Chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN của Việt Nam) cho hàng hóa xuất khẩu mới chỉ chiếm 25% trên tổng kim ngạch khối hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường ASEAN. Nguyên nhân của việc này có thể là do DN nhận định chưa cần thiết hoặc chưa đến mức phải tìm hiểu những điều này. Họ cho rằng không được hưởng lợi ích mà là nhà nhập khẩu được hưởng. Bên cạnh đó là tâm lý ngại tiếp xúc với cơ quan công quyền, và cho rằng phải làm thêm thủ tục, phải đi lại, gặp nhiều vướng mắc…
Ở góc độ của mình, nhiều DN cho rằng Nhà nước cần chủ động và linh hoạt hơn trong việc phổ biến các thông tin và lộ trình xây dựng AEC để DN có các điều chỉnh hợp lý trong chiến lược sản xuất, kinh doanh. Đại sứ quán, lãnh sự quán, tham tán thương mại… cần chủ động hỗ trợ DN thông tin về thị trường, luật lệ thương mại quốc tế… Cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ DN hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động khu vực cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu ngành nghề.