Ngày 12/3, tại hội thảo Thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM) tổ chức, đại diện các bộ ngành (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng…) đều vắng mặt, dù CIEM có mời.
Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra những cách thức mới để chấm điểm môi trường kinh doanh các nước. Buổi sáng, WB đánh giá chỉ số tiếp cận điện năng tại Việt Nam, buổi chiều bàn về cải cách thủ tục thông quan. Khi TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, xin ý kiến góp ý của các bộ ngành thì hội trường im bặt (trừ buổi chiều có đại diện của Tổng cục Hải quan). “Những bộ ngành, DN trực tiếp cần cải cách không ai có mặt dù chúng tôi đã mời, chứng tỏ các bộ chưa quan tâm lắm, điều này cần xem lại và chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ”, TS Cung nói.
Theo khảo sát của CIEM và Tổng cục Hải quan về việc thực hiện thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất nhập khẩu (khảo sát từ tháng 8 đến 12/2014), các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu phải thực hiện thủ tục, chứng từ nhiều hơn so với quy định (nhiều hơn ít nhất 3 chứng từ). Nhiều thủ tục, giấy tờ thông quan vẫn được thực hiện thủ công (nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp, chưa thông qua internet); các giấy tờ phải có chữ ký, con dấu… Yêu cầu này tạo ra khối lượng công việc lớn, làm mất thời gian và tiền bạc của DN.“Chỉ số thông quan tác động mạnh tới xếp hạng môi trường kinh doanh. Những năm qua, chúng ta đã có cải thiện với phần hải quan, nhưng những thủ tục liên quan tới các bộ quản lý chuyên ngành chưa cải thiện nhiều”.
TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM
Về thời gian thông quan, theo nhóm nghiên cứu, mất nhiều thời gian nhất là những lô hàng có yêu cầu thủ tục chuyên ngành (như thủ tục về kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, quản lý hóa chất…). Cụ thể, mỗi lô hàng xuất khẩu, mất thời gian làm thủ tục tối thiểu 4 ngày, tối đa 9 ngày; với hàng nhập khẩu tối thiểu 10 ngày, tối đa 19 ngày; trường hợp lô hàng phải thực hiện thủ tục chuyên ngành, thời gian giải quyết có thể hơn 30 ngày. Tình trạng này là do danh mục hàng hóa phải làm thủ tục chuyên ngành quá rộng, không rõ ràng; sự trùng lắp về thẩm quyền kiểm tra; quản lý thủ công; chưa kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý; sự quan liêu, trì trệ trong phát hiện, sửa đổi quy định không phù hợp; yếu kém trong tổ chức thực hiện của lãnh đạo các cấp; máy móc, vô cảm của công chức thực thi pháp luật…
Về chi phí, các DN xuất nhập khẩu phản ánh, chi phí chính thức với mỗi container hàng 20 feet là 9-12 triệu đồng. “Trong gần 10 loại phụ phí DN xuất nhập khẩu phải trả, có những khoản phí đa số DN cho là bất hợp lý và chưa minh bạch, như phí xếp dỡ, phí mất cân bằng vỏ container, phí sửa chữa container”, nhóm nghiên cứu cho biết. Đặc biệt, tình trạng các hãng tàu tự đặt nhiều loại phụ phí (như phí tắc nghẽn cảng), đã gây nhiều thiệt hại cho DN, giảm sức cạnh tranh của DN Việt Nam, nhóm nghiên cứu nhận định. Dù vậy, cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có hành động rõ rệt để kiểm soát, chấn chỉnh. Nổi cộm nhất là chi phí cho hãng tàu quá lớn, nhiều khoản phí không chính thức với tỷ lệ không hề nhỏ, một số DN phản ánh.
Đấu nối điện: Thủ tục rườm rà, chi phí ngất ngưởng
Theo xếp hạng năm 2013-2014 của WB, chỉ số tiếp cận điện của Việt Nam xếp thứ 135/189 quốc gia được xếp hạng, kém Lào tới 7 bậc. Để có điện, mỗi DN tại Việt Nam phải hoàn thành 6 thủ tục (trong khi nhiều nước chỉ có 3 thủ tục); thời gian để làm những thủ tục này và được cấp phép lên tới 115 ngày, tốn 1.432,8% mức thu nhập bình quân đầu người (năm 2013, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam khoảng 1.960 USD), trong khi tỷ lệ chi phí này ở các nước đầu bảng chỉ 44,1%. “Chi phí để đấu nối điện tại Việt Nam tụt hậu hơn nước khác rất nhiều, đặc biệt các nước có thu nhập cao”, bà Nadine Abi Chakra, chuyên gia về môi trường kinh doanh của WB, nói.
Bà Chakra dẫn chứng một DN tại TPHCM trong khảo sát của WB. Đơn vị này phải làm 6 thủ tục, gồm: nộp hồ sơ xin đấu nối điện và chờ Cty điện lực TPHCM xét duyệt (mất 30 ngày); khách hàng được Cty điện lực kiểm tra thực địa (1 ngày); được duyệt thiết kế và được cấp phép đào đường, vỉa hè để đấu nối dây ngầm do Sở GTVT cấp (15 ngày); thuê một Cty thiết kế và thi công ngoài trời, lắp đặt máy biến thế (65 ngày, chi phí 544 triệu đồng); cơ quan phòng cháy chữa cháy cấp giấy chứng nhận thiết kế đạt yêu cầu an toàn (30 ngày); được lắp công tơ và đấu nối điện (7 ngày).
Theo Tiền Phong.