|
Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10, ngày 09/02/2007, đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (sau đây gọi là Chiến lược biển) với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần làm cho đất nước giàu mạnh.
Ngay sau khi Chiến lược biển được thông qua, Việt Nam đã ban hành có tính hệ thống nhiều chính sách phát triển kinh tế biển nhằm triển khai hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 kinh tế biển, ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP và 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; thu nhập bình quân đầu người dải ven biển cao gấp hai lần thu nhập bình quân chung của cả nước. Xuyên suốt mục tiêu phát triển kinh tế biển, Việt Nam luôn xác định phát triển phải song hành cùng quản lý, bảo vệ tài nguyên cũng như giữ vững chủ quyền biển đảo.
Để giàu từ biển, mạnh về biển
Có thể nói, ngay từ trước khi Chiến lược biển được ban hành, phát triển kinh tế biển luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm bằng việc xây dựng nhiều chính sách khác nhau gồm có các văn bản pháp luật, nghị quyết, quyết định. Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 06/5/1993 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ phát triển kinh biển đã khẳng định đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia; bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển; phấn đấu trở thành một nước mạnh về biển vào năm 2020.
Ngày 22/9/1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiếp tục xác định: thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế biển hướng mạnh vào xuất khẩu, dựa trên những tiến bộ khoa học, công nghệ làm động lực; vừa thúc đẩy nghiên cứu, quản lý, khai thác tiềm năng biển có hiệu quả, vừa tái tạo tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực...
Tuy nhiên, việc ra đời Chiến lược biển vào năm 2007 và sau này là Luật Biển Việt Nam năm 2012 đã trở thành những cột mốc vô cùng quan trọng, tạo ra một định hướng thống nhất, tổng thể, bền vững và có tính chất pháp lý lâu dài cho phát triển biển nói chung và kinh tế biển nói riêng cho một quốc gia có hơn 3.260km bờ biển và 1 triệu km2 thềm lục địa.
Theo tiến sỹ Hồ Văn Hoành, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam, để thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành và phê duyệt nhiều nghị quyết và quyết định như một số giải pháp cấp bách trong quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển; đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quản lý bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo; quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 và gần đây, ngày 6/9/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-TTG phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Điều 43 tại Luật Biển Việt Nam năm 2012 có sáu nhóm ngành, lĩnh vực được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; vận tải biển, cảng biển; đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; du lịch biển và kinh tế đảo; khai thác, nuôi trồng, chế biển hải sản; phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.
Đến nay, ngành hàng hải có hệ thống cảng biển lớn nhỏ với tổng năng lực hàng hóa thông qua gần 100 triệu tấn/năm; sáu khu kinh tế ven biển được tập trung ngân sách đầu tư giai đoạn 2013-2015 là những khu vực phát triển kinh tế tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học về biển. Các ngành nghề dịch vụ đóng tàu thuyền, chế biến thủy sản, dầu khí, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch phát triển.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng ban Tổng hợp, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kể từ khi có Chiến lược biển, tất cả các ngành kinh tế biển đều có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt có hai điểm sáng là lĩnh vực khai thác hải sản và du lịch biển và phát triển kinh tế đảo.
Tính đến năm 2013, tổng số tàu đánh bắt hải sản xa bờ tăng gần 2,2 lần, sản lượng khai thác hải sản tăng gần 1,4 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 1,8 lần, giải quyết việc làm cho khoảng trên 2 triệu người liên quan đến biển so với năm 2007. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong sáu năm từ năm 2008 đến năm 2013 đạt gần 33 tỷ USD, tốc độ tăng trên 10,1%/năm.
Trong lĩnh vực du lịch biển, với gần 3.000 đảo lớn nhỏ, nhiều đảo/cụm đảo có giá trị du lịch như Quan Lạn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, vịnh Nha Trang, vịnh Hạ Long, Cù lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc đã thu hút mạnh khách du lịch. Ngành du lịch biển đang đóng góp 70-80% lượng khách du lịch đến Việt Nam, tương đương 70-80% tổng nguồn thu của ngành du lịch.
Then chốt là nhân lực và chính sách
Chiến lược biển đã xác định quan điểm chỉ đạo của Đảng về định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đó là phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng-an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo quan điểm này, các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện song song việc phát triển các lĩnh vực kinh tế biển với bảo vệ môi trường biển bằng nhiều giải pháp.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, hai yếu tố quan trọng, then chốt để hướng tới sự phát triển kinh tế biển bền vững đó là nhân lực chất lượng và hệ thống chính sách, thể chế quản lý. Hiện nay, những khó khăn, bất cập về nhân lực, về vốn và những thách thức từ biến đổi khí hậu cùng với sự đan xen có phần chồng chéo trong công tác quản lý đối với các lĩnh vực kinh tế biển đang là những nguyên nhân chính của sự thiếu bền vững trong phát triển kinh tế biển.
Ông Nguyễn Hoàng Hà cho biết, nếu tính thu nhập trung bình thì người dân 28 tỉnh ven biển ở mức khá hơn so với trong đất liền nhưng nếu không tính những địa phương mạnh thì thu nhập của những địa phương còn lại sẽ thấp thua so với các địa phương trong đất liền. Trong khi đó, ngư dân phải đối mặt với nhiều rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai, xâm nhập mặn... Vì vậy, giải quyết vấn đề nguồn nhân lực là phải làm sao nâng cao được mức sống của người dân khu vực này bởi đây mới chính là lực lượng giữ biển, bám biển.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hà, để có thể khai thác được nguồn lực không nhỏ từ trong dân để phát triển kinh tế biển cần phải có những bước đột phá. “Muốn khai thác dòng vốn trong dân phải có chính sách tốt, có sự cam kết của những người lãnh đạo, có như vậy người dân mới có niềm tin bỏ vốn đầu tư” - ông Hà nói.
Liên quan đến nguồn nhân lực, tiến sỹ Hồ Văn Hoành cho rằng, cần gấp rút đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu quản lý các ngành kinh tế biển và cộng đồng dân cư ven biển không những có trình độ chuyên môn mà còn có kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo, phấn đấu làm sao đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%. Đặc biệt, khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đang được triển khai thì ngư dân cần phải được đào tạo nâng cao kỹ năng vận hành tàu vỏ thép.
Là một tỉnh có bờ biển dài 250km, diện tích vùng biển trên 6.000km2, có gần 2.070 hòn đảo đá và đất lớn nhỏ (chiếm 2/3 tổng số đảo của cả nước), tỉnh Quảng Ninh đã xác định rõ định hướng chiến lược xây dựng khu vực “Quảng Ninh thành trung tâm kinh tế mạnh, nòng cốt là cảng biển, công nghiệp và du lịch biển làm đầu tàu lôi kéo cả vùng phát triển."
Theo quan điểm này, Quảng Ninh chú trọng tới việc phát triển nguồn nhân lực, khoa học ông nghệ, môi trường và mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế biển có trọng tâm, trọng điểm trong đó tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, các cơ sở sản xuất.
Tuy nhiên, theo tiến sỹ Hồ Văn Hoành, để phát triển kinh tế biển bền vững, các ngành, địa phương, các cấp cần đánh giá lại kết quả phát triển kinh tế biển trong thời gian qua, xây dựng đề án tái cơ cấu ngành kinh tế biển, các cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của các ngành, các cấp, các địa phương và vùng lãnh thổ, có sự quản lý, tập trung của trung ương, tạo nên bước đột phá về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại theo chiều rộng và chiều sâu. Từ đó bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển theo nội dung mới gắn với phát triển kinh tế biển với phòng ngừa thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo trên tất cả các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng tuyến đảo, hệ thống cảng biển, đô thị ven biển, các ngành dầu khí, đóng tàu, giao thông, du lịch, khai thác nuôi trồng thủy hải sản./.
Theo VIETNAM+
|