Nên gọi đúng tên tư nhân hóa
Tư nhân hóa là bán toàn bộ hay một phần tài sản của Nhà nước cho tư nhân trong và ngoài nước. Tài sản của Nhà nước có thể là nhà ở, nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, quyền thu phí hay thuế... Nhà nước chỉ nên tư nhân hóa những thứ mà mình quản lý kém hiệu quả hơn tư nhân vì làm như thế có lợi cho xã hội.
Đã là bán, NẾU bán đúng giá, thì về mặt kinh tế, Nhà nước chẳng mất gì cả, bán sân bay thì thu tiền về và tổng tài sản không thêm không bớt mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác (từ sân bay sang tiền). Lưu ý dưới đây chúng ta chỉ xét mặt kinh tế, việc bán tài sản của Nhà nước còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như an ninh, xã hội mà cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Về mặt kinh tế chỉ đơn giản vậy thôi nhưng vì nhiều lý do, người ta đặt ra nhiều khái niệm “mới” để tránh chữ “tư nhân hóa” thực ra chẳng có tội tình gì, như “cổ phần hóa”, “xã hội hóa”... Mới đây, là các đề xuất bán sân bay Phú Quốc lấy vốn xây dựng sân bay Long Thành, nhà ga T1 Nội Bài, đường cao tốc... dưới nhiều cách gọi khác nhau.
Vì nhiều lý do, người ta đặt ra nhiều khái niệm “mới” để tránh chữ “tư nhân hóa” thực ra chẳng có tội tình gì, như “cổ phần hóa”, “xã hội hóa”...
Vấn đề là ở chữ NẾU nói trên. Bán đúng giá thì phải có nhiều người mua tiềm năng, phải công khai, phải rạch ròi. Và cách hay nhất là đấu giá công khai. Nếu không làm vậy thì việc bán tài sản của Nhà nước có thể là cơ hội cho tiêu cực hoành hành một cách hợp pháp. Chính vì thế phải có khung pháp lý rõ ràng cho tư nhân hóa. Thiếu luật tư nhân hóa đã dẫn đến rất nhiều tai hại cho sự phát triển đất nước.
Những ai là các tư nhân có thể mua sân bay Phú Quốc, nhà ga T1 Nội Bài? Tổng số tiền đã đầu tư vào các nơi đó là bao nhiêu? Giá trị hiện tại của chúng thế nào? Giá chào bán ra sao? Các điều kiện mua, bán thế nào? Ai hay cơ quan nào có quyền quyết định bán? Đó là mấy câu hỏi mà người chủ tài sản (toàn dân Việt Nam) và những người mua tiềm năng phải biết.
Thủ tục bán ra sao cần được luật quy định rõ. Khác đi thì việc câu kết, bán rẻ, bán hớ, tham nhũng…, là những vấn đề sẽ (và đáng tiếc đã) nổi lên, gây chia rẽ trong xã hội và có thể có những hậu quả khôn lường mà nhiều thế hệ sau chưa thể khắc phục.
Bài học nhãn tiền về việc tài sản quốc gia ở Nga, các nước thuộc Liên Xô cũ bị “cướp” phải là lời cảnh báo nghiêm khắc.Giả sử đã bán đúng giá, sòng phẳng và tiền đã thu về, thì vấn đề chi tiêu tiền thu về đó lại là vấn đề hoàn toàn khác và phải được Luật Ngân sách Nhà nước quy định và Quốc hội phải là người có tiếng nói cuối cùng.
Tiền bán tài sản về nguyên tắc phải thu về Kho bạc Nhà nước và có thể dùng để trả nợ, đầu tư vào giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở hoặc làm những việc cần thiết khác mà Nhà nước nhất thiết phải làm.
Đáng tiếc cả Luật Ngân sách Nhà nước hàng năm chúng ta cũng không quen làm việc này. Ở đây tôi chỉ muốn lưu ý rằng vấn đề bán tài sản của Nhà nước và vấn đề chi tiêu tiền thu được là hai việc hoàn toàn khác nhau. Cho nên, hai loại việc này phải được các luật khác nhau quy định (luật tư nhân hóa về bán tài sản, luật đầu tư nhà nước hay các luật khác, chẳng hạn).
Tuyệt đối tránh lẫn lộn hay gộp hai loại này làm một, thí dụ, để lại tiền thu được cho cơ quan đang quản lý tài sản đó tự quyết định, vì chúng tạo cơ hội cho tham nhũng.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.