Các bộ, ngành chưa phối hợp đồng bộ cộng với việc thiếu kinh phí là nguyên nhân.
Ngập "rác" vì phối hợp yếu
Thống kê của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến những ngày đầu tháng 3/2015, lượng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh ước khoảng trên 1.000 container. Sau khi kiểm tra thực tế lượng hàng hóa nói trên, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nhận định, phần lớn hàng hóa tồn đọng tại các cửa khẩu đều là những hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu, hoặc đã bị hư hỏng do thời gian lưu kho, lưu bãi quá lâu. Nhiều lô hàng giá trị nhập khẩu chỉ khoảng 20 - 30 triệu đồng, nếu bây giờ đem bán thanh lý thì giá trị không còn được bao nhiêu.
Gần 5.500 container và hơn 1.300 kiện hàng tồn đọng tại các cảng biển |
Với chi phí lưu container tại cảng theo quy định hiện nay, các đơn vị kinh doanh cảng, kho bãi, các DN cung ứng dịch vụ bưu chính, vận tải tại các khu vực cảng biển TP. Hồ Chí Minh đã phải chịu thiệt hại nhiều tỷ đồng vì không thu được phí. Các đơn vị Hải quan quản lý, giám sát cũng tiêu tốn hàng tỷ đồng để kiểm kê, quản lý những lô hàng phần nhiều đã trở thành rác thải.
Thực tế, việc tồn đọng hàng hóa tại các cảng biển Việt Nam không phải mới. Nhiều năm nay, do cơ chế quản lý lỏng lẻo đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, cộng với những quy định cho phép chủ hàng có thể từ chối nhận hàng nhập khẩu nếu không đúng với hợp đồng đã khiến cho lượng hàng hóa bị bỏ lại tại các cảng biển ngày một nhiều.
Chưa kể rằng, mới đây do quy định siết chặt cân tải trọng đường bộ của Bộ Giao thông - Vận tải cũng khiến cho lượng hàng hóa ùn ứ mỗi ngày mỗi lớn. Các DN vi phạm trọng tải thà chấp nhận bỏ hàng còn hơn vừa phải nộp phạt trọng tải, vừa phải trả phí lưu kho, lưu bãi, đôi khi lớn gấp 2 - 3 lần giá trị hàng hóa.
Đó mới là câu chuyện về nguyên nhân khiến lượng hàng hóa tồn đọng gia tăng. Điều đáng nói là tình trạng "bỏ của chạy lấy người" này đã diễn ra nhiều năm, nhưng vì sao các ngành chức năng lại không thể nào xử lý dứt điểm.
Câu trả lời chỉ có thể là sự tắc trách. Bởi xét đến cùng, nếu hàng hóa tồn đọng không được xử lý thì những bên bị thiệt hại nhiều nhất là các DN kinh doanh kho bãi, vận tải chứ không phải là các cơ quan quản lý Nhà nước. "Quả bóng" hàng tồn đọng này liên tục được kiến nghị các đơn vị khác bộ ngành khác cùng xử lý, như Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường… nhưng thực tế quá trình phối hợp chưa bao giờ được như kỳ vọng.
Thiếu tiền khó xử lý dứt điểm
Để tỏ rõ quyết tâm trong việc xử lý dứt điểm lượng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển, cuối năm 2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 203/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan và tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai xử lý theo các quy định tại thông tư này.
Ghi nhận tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ khi Thông tư 203 hiệu lực, hoạt động xử lý hàng hóa tồn đọng có một số tiến bộ. Một bộ phận hàng hóa thuộc dạng dễ hư hỏng, hóa chất nguy hiểm, độc hại, (trong đó có 505.000 tấn phân ure, 10 container hóa chất…) đã được làm thủ tục thanh lý vì quá hạn 90 ngày.
Tuy nhiên, hầu hết những hàng hóa khác đều tiếp tục nằm lại tại các cảng, vì liên quan đến trách nhiệm của nhiều đơn vị quản lý Nhà nước khác hoặc thiếu kinh phí nên không thể tái xuất hay thiêu hủy được.
Trao đổi với, phóng viên TBNH, một cán bộ Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 cho biết, trình tự để xử lý hàng hóa tồn đọng hiện nay được quy định khá chặt chẽ. Trước khi ra quyết định xử lý (thanh lý, tái xuất hoặc thiêu hủy), cơ quan hải quan sẽ đăng thông tin lên báo ngành và các cổng thông tin điện tử hải quan để tìm chủ hàng.
Nếu hết thời hạn 15 ngày mà các chủ hàng không đến nhận thì sẽ thành lập hội đồng xử lý. Tuy nhiên, việc tổ chức hội đồng này cần có sự hiện diện của nhiều đại diện cơ quan của các bộ, ngành khác nhau. Do vậy, không phải lúc nào cũng có thể thống nhất và tập hợp được.
Ngay cả khi đã lập được hội đồng xử lý rồi, việc xử lý hàng hóa cũng hết sức khó khăn. Vì hiện nay, trên bản khai sơ lược hàng hóa không thể hiện đầy đủ các thông tin về tên và chủng loại hàng hóa. Do vậy, rất khó để phân loại hàng hóa vào dạng thanh lý, tái xuất, thiêu hủy hay chuyển giao vào tài sản Nhà nước.
"Mỗi lần tổ chức xử lý hàng hóa tồn đọng như vậy kéo dài 10 - 12 ngày, chi phí để kiểm kê, vận chuyển và các chi phí phát sinh khác thường rất lớn. Trong khi đó, tiền thu được từ thanh lý hàng hóa không đủ bù đắp. Nếu hàng hóa thuộc diện thiêu hủy thì không đủ tiền để xử lý, hàng hóa thuộc dạng tái xuất mà không tìm được chủ hàng và nơi xuất thì cũng khó xử lý được", vị này cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên TBNH, hiện để đảm bảo việc xử lý hàng hóa tồn đọng được nhanh chóng, Bộ Tài chính đã quy định cục trưởng cục hải quan các địa phương có trách nhiệm thành lập hội đồng thường trực để xử lý hàng hóa tồn đọng theo từng năm. Trường hợp địa bàn hoạt động hải quan ít phát sinh hàng hóa tồn đọng có thể thành lập hội đồng xử lý theo vụ việc. Tuy nhiên, về mặt kinh phí tổ chức xử lý thì vẫn chưa có giải pháp bổ sung phù hợp.
Vì vậy, nếu trường hợp số tiền thu được do bán hàng hóa không đủ để thanh toán chi phí xử lý thì Bộ Tài chính sẽ đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Trường hợp chưa có nguồn kinh phí thì hội đồng xử lý phải tạm ứng kinh phí từ tài khoản tạm giữ hoặc ngân sách chi thường xuyên của cục hải quan địa phương.
Theo Thời báo Ngân hàng.
|