Tình hình xuất khẩu của Việt Nam có những triển vọng khả quan do các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến thương mại ngày càng được hoàn thiện.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2015 do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 16/4 nhận định, xuất khẩu được xem là điểm sáng của nền kinh tế trong những năm qua khi liên tục đạt mức tăng trưởng từ 10 – 15%. Tuy nhiên, xuất khẩu chưa thực sự bền vững, vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục, để tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại, gia tăng kim ngạch và giá trị xuất khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 150 tỷ USD. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 165 tỷ USD vào năm 2015. Tình hình xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá có những triển vọng khả quan do các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến thương mại ngày càng được hoàn thiện.
Đặc biệt, Việt Nam đã liên tiếp hoàn thành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác kinh tế lớn có cơ cấu hàng hoá thương mại bổ sung với Việt Nam, gồm Hàn Quốc; Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan và đang tiến hành đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội tiềm năng mới cho xuất khẩu.
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, tác động của các Hiệp định này đến xuất khẩu của Việt Nam lớn chưa từng có. Trong khối TPP gồm 12 nước thì Việt Nam được đánh giá là có tác động đến xuất khẩu lớn nhất xét theo tỷ trọng của hiệp định đối với tổng giá trị xuất khẩu. Và riêng dệt may tăng gấp đôi. Nhờ các hiệp định này mà hàng triệu công ăn việc làm được tạo ra. Hay như Hiệp định Việt Nam – EU, tác động cũng vô cùng lớn, tăng xuất khẩu 30-35%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tổng thể hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn bấp bênh, thiếu bền vững. Hàm lượng xuất khẩu nhiều ngành hàng đứng thứ nhất, nhì thế giới, song giá trị thu về chỉ đạt thấp. Điển hình là nhóm hàng công nghiệp chiếm tới 2/3 kim ngạch xuất khẩu, song giá trị gia tăng không cao. Bởi phần lớn nguyên vật liệu, máy móc, công nghệ… đều nhập khẩu, trong khi giá trị đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam chỉ là nhân công, đầu tư nhà xưởng, nên giá trị thu lại không nhiều.
Ngoài ra, cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bị phụ thuộc vào một số nhóm hàng, thị trường, trong khi những ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam lại không mang về giá trị gia tăng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam năm 2014 chỉ đạt 19 – 20 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu của điện thoại đạt tới 23,6 tỷ USD…
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tại thời điểm hiện nay các cơ quan nhà nước cố gắng mở rộng thị trường thông qua việc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do FTA mà triển vọng sắp tới với 2 khu vực Hoa Kỳ và EU.
“Chúng tôi cũng cố gắng duy trì được một môi trường cạnh tranh lành mạnh khi Việt Nam hội nhập sâu sau WTO. Khi sản phẩm của chúng ta ra bên ngoài và bị những biện pháp tự vệ, chống phá giá, chống trợ cấp như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là bảo vệ doanh nghiệp trong những trường hợp ấy, đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển các dịch vụ hỗ trợ về xuất khẩu ví dụ như kho vận, cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN,” ông Hải nhấn mạnh./.
Theo VOV- Trung tâm Tin