Dựa trên kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đang cân nhắc đến phương án tăng thuế nhập khẩu mặt hàng xơ polyester để khuyến khích sản xuất trong nước.
Theo thông tin do Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX) cung cấp, sản phẩm xơ polyeste của doanh nghiệp này đã dần được khách hàng chấp nhận đưa vào sản xuất trên diện rộng sau một thời gian chạy thử nghiệm trên các nhà máy kéo sợi, nhất là một số đơn vị của Tập đoàn Dệt may (Vinatex).
Sự chấp nhận ấy một phần nằm ở chính sách bán hàng với giá thấp hơn (khoảng 1.434 USD/tấn) giá hàng nhập khẩu đã thực sự hấp dẫn và đem lại lợi ích cho khách hàng.
Tuy nhiên, kể từ tháng 9, tháng 10-2014, công tác tiêu thụ sản phẩm của PVTEX gặp khó khăn do sự ảnh hưởng từ đợt khủng hoảng giá dầu cũng như vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà cung cấp nước ngoài.
PVTEX cho hay, giá xơ được các nhà cung cấp điều chỉnh theo từng ngày, giá bán bình quân cuối tháng 12-2014 giảm khoảng 90-100 USD/tấn so với đầu tháng và giảm khoảng 180 USD/tấn so với tháng 8, 9-2014.
Đặc biệt, trong 2 tuần đầu tháng 2-2015, giá bán của các nhà nhập khẩu chỉ chào giá xuống còn 970-980 USD/tấn, một số loại xơ từ Trung Quốc thậm chí còn 900 USD/tấn kèm theo được trả chậm đến 180 ngày.
Để giữ đúng cam kết của mình, PVTEX cũng đã liên tục điều chỉnh giá bán xơ luôn thấp hơn giá hàng nhập khẩu xuống còn 1.030 USD/tấn vào tháng 12-2014 và hiện đã phải đưa xuống mức 970 USD/tấn nhưng vẫn không cạnh tranh được với các nhà nhập khẩu.
Từ cuối năm 2014, các nhà nhập khẩu sẵn sàng giảm giá bán thấp hơn 50-70 USD/tấn mỗi khi PVTEX áp dụng giá mới. Theo thực tế theo dõi, giá bán sản phẩm như vậy chỉ ngang bằng với giá mua nguyên liệu đầu vào và không thể bù đắp được chi phí sản xuất của bất kỳ nhà máy nào. Bên cạnh khó khăn chung của thị trường, việc bị cạnh tranh quyết liệt đang khiến việc sản xuất của PVTEX vào thế khó.
Tuy đã sản xuất liên tục trong hơn 8 tháng vừa qua nhưng nhà máy không thể tăng công suất do hàng khó bán. Hiện, nhà máy vẫn chỉ chạy 50% công suất thiết kế. Việc không chạy đủ công suất cũng là trở ngại chính trong việc ổn định sản xuất, duy trì chất lượng sản phẩm. Hiện tồn kho sản phẩm của PVTEX đã lên đến gần 15.000 tấn và nhà máy đứng trước nguy cơ phải dừng máy do không đủ tiền để quay vòng mua nguyên liệu.
Công ty liên tục phải bán ra thấp hơn giá thành để cạnh tranh trong khi vừa đi vào sản xuất, tình hình tài chính hiện không cho phép duy trì lâu hơn nữa tình trạng này.
Trong tổng lượng hàng đã bán ra, một lượng hàng không nhỏ (có lúc lên tới 40% sản lượng) PVTEX phải xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và phần lớn các thị trường này đều có hàng rào bảo hộ (với tất cả các mặt hàng từ xơ, sợi đến sản phẩm dệt may), trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài có thể bán vào thị trường Việt Nam với giá bán thấp hơn nhiều so với giao dịch quốc tế ghi nhận được.
Để hỗ trợ PVTEX tiếp cận thị trường, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, Bộ Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp dệt may trong nước để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của PVTEX. Đồng thời, Bộ Công Thương đã đề nghị Tập đoàn Dệt May Việt Nam có cơ chế khuyến khích các đơn vị thành viên tăng cường sử dụng sản phẩm của PVTEX.
Do mặt hàng xơ polyester trong nước đã sản xuất đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, đồng thời không làm ảnh hưởng đột ngột tới các doanh nghiệp sợi dệt, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu mặt hàng xơ polyester (mã 5503.20.00) lên 2%.
Thống nhất tăng thuế
Cân nhắc vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng xơ polyester thuộc nhóm 55.03 (xơ staple tổng hợp, chưa chải thô, chưa chải kỹ hoặc chưa gia công cách khác để kéo sợi), thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của cả nhóm là 0%. Kim ngạch nhập khẩu năm 2013 và 2014 của mặt hàng này chiếm trên 90% kim ngạch nhập khẩu của cả nhóm 55.03.
Theo số liệu của PVTEX, giá thành sản xuất xơ polyeste cao hơn so với giá nhập khẩu trung bình năm 2014 khoảng 197 USD/tấn. Nếu công ty chạy hết công suất thì giá thành sản xuất xơ của công ty cao hơn so với giá nhập khẩu khoảng 53 USD/tấn.
Theo định hướng khuyến khích phát triển nguyên liệu xơ từ polyeste để khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may phát triển, ngoài ra, sản phẩm xơ PVTEX có mặt trên thị trường đã đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng kéo sợi, dệt, làm tiền đề cho việc tăng sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong việc gia nhập Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Vì vậy, để khuyến khích sản xuất trong nước, Bộ Tài chính thống nhất với đề nghị của Bộ Công Thương tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng xơ polyeste, mã hàng 5503.20.00 từ 0% lên 2%.
Tuy nhiên, vì bản chất kinh tế tính năng kỹ thuật như nhau, khó phân biệt bằng trực quan trong phân loại giữa nhóm 55.03 với các mặt hàng thuộc nhóm 55.01, 55.02, 55.04, 55.06 và 55.07 (đều thuộc Chương Xơ sợi staple nhân tạo trong Biểu thuế nhập khẩu) nên Bộ Tài chính đang tính toán đến phương án tăng đồng loạt thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xơ staple thuộc các nhóm 55.01, 55.02, 55.03, 55.04, 55.06 và 55.07 từ 0% lên mức 2%.
Để có cơ sở điều chỉnh thuế nhập khẩu hợp lý, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và Bộ Công Thương để đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo baohaiquan.vn