Nhiều doanh nghiệp vận tải ô tô lo ngại rằng xã hội hóa đường sắt sẽ tạo áp lực cho vận tải ô tô và đẩy các doanh nghiệp này vào bước đường cùng.
Vận tải ô tô sẽ kiệt quệ?
Đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt” được Bộ Giao thông Vận tải đề ra từ giữa tháng 4/2015 nhanh chóng được các doanh nghiệp tư nhân hưởng ứng tham gia.
Trong đó, phải kể đến các tập đoàn lớn như Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, tập đoàn Vingroup đã đề xuất xin được đầu tư vào các nhà ga như ga Hà Nội, ga Sài Gòn, ga Đà Nẵng...
Các chuyên gia trong ngành khẳng định rằng nếu thu hút được các doanh nghiệp liên kết đầu tư, khai thác sẽ cải tổ được ngành đường sắt vốn được cho là “lạc hậu, lỗi thời”.
Song, không ít các doanh nghiệp vận tải ô tô cho hay, xã hội hóa đường sắt, nâng cao chất lượng dịch vụ, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại, mặt khác đẩy các doanh nghiệp vào thế khó, gây áp lực và buộc phải cạnh tranh.
Mặc dù khẳng định ngành vận tải ô tô có một thế mạnh riêng, linh hoạt chung chuyển, phục vụ khách đường ngắn là chủ yếu song ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty vận tải Đất Cảng vẫn đang băn khoăn tìm hướng đi cho công ty mình.
“Mỗi ngành có một thế mạnh riêng. Nếu như đường bộ chỉ phục vụ khách hàng đường ngắn thì đường sắt phục vụ khách hàng đường dài.
Hiện tại, giá thành đường sắt nhỉnh hơn, chất lượng, dịch vụ kém có thể là điều kiện để vận tải đường bộ phát triển.
Nếu ngành đường sắt được xã hội hóa, nâng cao hạ tầng, chất lượng thì đương nhiên việc tạo áp lực, cạnh tranh cho ngành vận tải sẽ xảy ra. Thậm chí, các doanh nghiệp vận tải ô tô phải chịu thua”, ông Hải khẳng định.
Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải cho rằng có thể ngành vận tải phải chịu thua
Để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh với ngành đường sắt "thay da đổi thịt", ông Hải cho hay khi chất lượng đường sắt được nâng cao, nhiều người lựa chọn thì bắt buộc các doanh nghiệp vận tải cũng phải chuyển mình theo hướng dịch vụ tốt hơn nếu không sẽ bị tiêu dần.
Tuy nhiên, ông Hải không giấu nổi nỗi lo: “Đương nhiên, nếu vận tải không cảm thấy phù hợp, chúng tôi sẽ thay đổi, thậm chí là chuyển sang nghề khác”.
Thời gian gần đây, liên tiếp các tuyến đường cao tốc ra đời được xem là điểm mạnh cho ngành đường bộ trong cuộc cạnh tranh với đường sắt nếu như xã hội hóa được đặt ra.
Song, một giám đốc công ty vận tải khác cho rằng, chi phí vận chuyển trên đường cao tốc giá cao hơn, khối lượng vận chuyển ít nên cũng không thể cạnh tranh được với đường sắt nếu chỉ đi một chiều.
Đánh giá tác động của ngành đường sắt với đường bộ, ông Phạm Xuân Đường - Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Đường Việt cho rằng, việc tác động thế nào còn phải phụ thuộc vào các nhà đầu tư xây dựng.
Trên cơ sở đó mới đánh giá được ảnh hưởng bao nhiêu % doanh thu của doanh nghiệp.
“Mặc dù có giảm các chi phí đường bộ đi chăng nữa thì ngành vận tải ô tô vẫn không thể cạnh tranh với đường sắt nếu như họ được xã hội hóa.
Tất cả các đơn vị vận tải tham gia vận chuyển Bắc Nam sẽ tê liệt. Rõ ràng các doanh nghiệp vận tải phải tìm cách rút lui và chuyển hướng sang kinh doanh ngành nghề khác”, ông Đường nói.
Đường sắt và đường bộ có thể cùng phát triển?
Phủ nhận hoàn toàn vận tải ô tô sẽ rơi vào tình trạng kiệt quệ khi lưu lượng vận chuyển chủ yếu thông qua đường sắt hiện đại, nhiều chuyên gia trong ngành cho hay, nếu biết bắt tay thì đây sẽ là cơ hội vàng để ngành đường sắt và vận tải ô tô cùng phát triển.
Ông Lê Đức Thành – Chủ tịch HĐQT Doanh nghiệp Thành Bưởi phân tích: “Ngành đường sắt, ngành vận tải ô tô, tàu thủy, máy bay mỗi ngành nghề có một lợi thế, một đối tượng hành khách khác nhau.
Ở đất nước ta có gần 100 triệu dân, đủ các tầng lớp buôn bán từ nhỏ cho đến buôn to bán lớn nên người ta đi đủ các hình thức phương tiện giao thông khác nhau. Vì thế, các doanh nghiệp vận tải ô tô chẳng có gì phải lo sợ.
Tôi thấy ngành đường sắt ở nước ta thực sự quá yếu kém, giá thành cao, trình độ thì lạc hậu, con người không được cải tiến, cứ ì ạch như chế độ bao cấp khổ sở trong khi đó các hãng vận tải tư nhân ra đời họ đã cải tiến rồi.
Nếu cứ trì trệ mãi như bây giờ thì ngành đường sắt ắt sẽ chết thôi.
Cho nên tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước là xã hội hóa đường sắt. Nếu như có tiền thì tôi cũng muốn đầu tư vào đây”.
Đường sắt Việt Nam được cho là quá lạc hậu và lỗi thời
Tuy nhiên, theo ông Thành quá trình xã hội hóa nên phân khúc, có bản thiết kế rõ ràng sau đó chia mỗi nhà đầu tư làm một đoạn như thế giá thành sẽ đảm bảo hơn, hàng hóa vận chuyển nhanh hơn và từ đó chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được nâng cao hơn.
Cũng theo ông Thành, ngành đường sắt phát triển cũng là điều kiện thuận lợi kéo theo ngành vận tải ô tô phát triển.
“Vì rằng ta ví ngành đường sắt như là một xương sống của con cá thì vận tải ô tô là các xương cá bao quanh.
Muốn vận chuyển hàng hóa lên đường sắt thì trước hết hàng hóa phải đi bằng ô tô.
Mình phải tính được rằng, ngành đường sắt càng phát triển thì ngành ô tô cũng sẽ phát triển theo nếu biết liên thông, hòa đồng chứ không chỉ gây áp lực", ông Thành khẳng định.
Ông Thành nhấn mạnh: "Cứ phải để cho tư nhân đầu tư vào, có sự cạnh tranh thì hàng hóa mới được vận chuyển nhanh, mức sống của người dân mới đi lên.
Chứ không theo kiểu ông này là khá lên còn ông kia chết đi là không được mà các ngành phải cùng dắt tay đi lên”.
CTHĐTV Tổng công ty Đường sắt VN
Trần Ngọc Thành
Quan điểm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) là mời các nhà đầu tư có khả năng tham gia đầu tư vào ngành đường sắt. Chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ từ năm ngoái việc xã hội hóa đường sắt. Tuy nhiên, quan trọng nhất là hình thức đầu tư, cách khai thác của nhà đầu tư như thế nào. Cũng cần phải hiểu là xã hội hóa ngành đường sắt, việc mời các nhà đầu tư tham gia, liên kết đầu tư vào các nhà ga như ga Hà Nội không phải mất đi năng lực của ĐSVN mà là để khai thác hết tiềm năng của khu ga này.
Theo Soha.vn