Thủ tục kiểm dịch thực vật và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi phiền hà đã làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) trong nước thiệt hại nhiều do phải lưu hàng tại cảng. Có doanh nghiệp cho hay, chi phí lưu container có khi lên tới vài chục tỉ đồng mỗi năm và doanh nghiệp không thể kiểm soát được chi phí này.
Các nước trên thế giới không kiểm, sao ta lại kiểm?
Tại buổi họp chiều 15-5-2015 liên quan tới ngành chăn nuôi, ông Trần Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Quang Minh, cho biết, hiện nay nguyên liệu TACN nhập về đang phải chịu hai lần kiểm dịch là kiểm dịch bảo vệ thực vật xem có sâu bọ không, và kiểm tra chất lượng do Cục chăn nuôi thực hiện. Tuy nhiên, quy trình kiểm tra này mất rất nhiều thời gian, có khi lên tới hơn 10 ngày.
“Mỗi lần lấy chứng từ, doanh nghiệp chỉ được lưu container 7 ngày, nhưng thời gian để lấy mẫu xét nghiệm gửi lên Hà Nội chờ đợi kết quả rồi gửi về Hải Phòng có thể lên tới hơn 10 ngày. Doanh nghiệp chịu phí kiểm dịch thì ít nhưng phí lưu container thì rất lớn. Mỗi năm có khi mất tới vài chục tỉ đồng tiền lưu container,” ông Quang nói.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Aprocimex, cho rằng giá nguyên liệu TACN đầu vào cao hơn các nước cũng một phần là do phát sinh các chi phí như cầu cảng, kiểm tra chất lượng, lưu container.
Hơn nữa, theo ông Lý, một lô hàng nhập khẩu về nên chăng chỉ lấy mẫu 10% chứ không nên kiểm tra 100% lô hàng như hiện nay vì gây tốn kém chi phí bốc dỡ không cần thiết cho doanh nghiệp.
Ngoài thủ tục phiền hà gây tốn kém về thời gian và tiền bạc, theo ông Trần Thanh Quang, tập đoàn Quang Minh, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu bã ngô (DDGS) từ Mỹ làm nguyên liệu thường đắt hơn các doanh nghiệp nước khác từ 3-5 đô la Mỹ/tấn. Điều này là do Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu phải hun trùng bã ngô trước khi đóng container nhập về trong khi các nước khác không yêu cầu như vậy.
Ông Đoàn Trọng Lý của Aprocimex đồng tình: “Chúng tôi đã đi Mỹ thăm quan thì họ sản xuất rất vô trùng, đảm bảo an toàn nên chúng tôi kiến nghị bỏ ngay quy định này để doanh nghiệp khỏi mất tiền, khỏi phiền hà. Hiện nay đối tác Mỹ cũng không hiểu tại sao cả thế giới không yêu cầu hun trùng mà chỉ riêng Việt Nam làm vậy?”
Sẽ giảm 50% thời gian và chi phí kiểm dịch
Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp, ông Bùi Sĩ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), cho hay, tần suất phát hiện con mọt thuộc nhóm nguy hiểm loại 1 trong bột bã ngô nhập từ Mỹ rất lớn trong khoảng hai năm nay gần đây. Vì vậy, loại nguyên liệu này thuộc nhóm phải kiểm tra 100% đồng thời phải hun trùng trước khi nhập về.
Bên cạnh đó, với từng container nhập về đều phải lấy mẫu, container ở dưới cũng như ở trên chứ không thể lấy mẫu đại diện một container được. Điều này hoàn toàn theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, ông Doanh cũng cho hay, nếu khi kiểm dịch, các lô hàng bị phát hiện với tần suất giảm đi thì cũng sẽ giảm việc kiểm dịch xuống.
Để giải quyết được bài toán vẫn kiểm dịch nhưng không gây tốn kém cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp đề nghị Bộ NNPTNT nên thực hiện công tác hậu kiểm.
Theo ông Lương Minh Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Lộc, các nước trên thế giới hiện nay đang thực hiện thông quan thông thoáng đầu vào và tăng cường chặt chẽ khâu hậu thông quan. “Xu hướng này rất hiệu quả và Việt Nam nên học thế giới,” ông Tùng nói.
Đối với nhập khẩu nguyên liệu TACN, nên chăng Bộ NNPTNT cứ cho thông quan nhưng đảm bảo chặt chẽ, niêm phong hàng hóa tốt sẽ giải phóng được hàng tại cảng cho doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng sẽ đến lấy mẫu kiểm tra bình thường, kiểm tra container khi còn niêm phong kẹp chì tại kho của doanh nghiệp. Nếu đơn vị nào vi phạm sau thông quan thì cơ quan chức năng phải xử lý rất nghiêm khắc. Nếu như ở nước ngoài mà vi phạm thì doanh nghiệp thậm chí không có cơ hội để nhập khẩu nữa.
Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đề nghị Cục BVTV làm việc với cơ quan chức năng phía Mỹ và yêu cầu nếu phát hiện ra con mọt nguy hại ở tần suất nhất định sẽ đình chỉ nhập khẩu bã ngô từ Mỹ. Bên cạnh đó, bộ trưởng cũng yêu cầu Cục BVTV phải nghiên cứu lại tần suất kiểm tra từ xa, yêu cầu các nước xuất khẩu cung cấp chứng từ kiểm tra chất lượng và nếu cần sẽ ký hiệp ước công nhận lẫn nhau.
“Rõ ràng phải kiểm tra có tỷ lệ chứ không thể kiểm tra 100% các lô hàng nhập về được,” Bộ trưởng Phát nói.
Về quy trình hậu kiểm, bộ trưởng đề nghị từ nay tới ngày 30-5, Cục BVTV và Cục chăn nuôi phải tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về quy trình kiểm dịch nhập khẩu để tìm ra giải pháp tối ưu nhất theo hướng giảm tối thiểu về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
“Tôi yêu cầu phải giảm 50% thời gian và chi phí kiểm dịch ngay trong năm nay,” ông Phát nhấn mạnh.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.