|
Theo quy hoạch, đến năm 2020, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đạt từ 190-210 chiếc, các hãng giá rẻ có chất lượng ngang bằng với các hãng hàng không cùng loại trong khu vực...
Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020”. Đề án này nhằm phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý và phát triển bền vững, nâng thị phần đảm nhận của vận tải hàng không; nâng cao vị trí, vai trò của vận tải hàng không trong hệ thống giao thông vận tải Việt Nam và trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo.
Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể là tăng tỷ trọng vận tải hàng không trong cơ cấu chung của ngành giao thông vận tải, đặc biệt trên các hành trình đường dài, quốc tế. Đến năm 2020, vận tải hành khách nội địa chiếm tỷ trọng 3,23%; vận tải hàng hóa nội địa chiếm khoảng 0,04% trong tổng thể ngành giao thông vận tải; tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế đối với hàng không Việt Nam lên 45,9%; thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN.
Phấn đấu đến năm 2020, có hoạt động khai thác quốc tế thường lệ đến toàn bộ các cảng hàng không quốc tế được công bố; tăng tần suất trên các đường bay hiện tại đến toàn bộ các cảng hàng không nội địa với tối thiểu 7 chuyến/tuần, tất cả các hãng hàng không đều có hoạt động khai thác thường lệ trên tất cả các đường bay phục vụ kinh tế - xã hội.
Theo Đề án, đến năm 2020, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đạt từ 190-210 chiếc; các hãng hàng không truyền thống xếp hạng 4-5 sao theo tiêu chí đánh giá của Skytrax, các hãng chi phí thấp có chất lượng ngang bằng với các hãng hàng không cùng loại trong khu vực; tăng cường các biện pháp kiểm soát giảm tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam; giảm tỷ lệ không hài lòng của hành khách đối với dịch vụ hàng không qua các năm.
Bên cạnh đó, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng hàng không Việt nam, nâng cao trách nhiệm xã hội của các hãng hàng không Việt Nam; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không.
Để thực hiện những mục tiêu trên, Đề án đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp như: đổi mới thể chế, chính sách và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả vận tải hàng không, tăng cường kết nối, phát triển vận tải đa phương thức và logistic; khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; tăng cường công tác hợp tác quốc tế và phát triển nguồn nhân lực.
Trong đó, mở rộng khai thác thị trường hàng không, tiếp tục phát triển vận tải hàng không trở thành phương thức vận tải an toàn và thuận tiện theo hướng thị trường mở, gắn liền với thị trường vận tải hàng không khu vực và thế giới; tăng thị phần vận chuyển của loại hình vận chuyển hàng không chi phí thấp; các hãng hàng không tiếp tục giảm chi phí/giá thành, đặc biệt là chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả vận tải hàng không...
Theo vnmedia.vn
|