Ngày 30-5, lô vải đầu tiên của Việt Nam chính thức “bay” sang Mỹ (do Công ty TNHH Ánh Dương Sao thực hiện), và tới đây, ngày 10-6 tới, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Rồng Đỏ cũng sẽ chiếu xạ và xuất lô vải đầu tiên sang Australia. Không chỉ dừng ở hai lô vải này, đại diện Bộ Công Thương cho biết: các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang cả hai thị trường mới trên.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mở cửa được hai thị trường Mỹ, Australia sẽ là động lực để nông dân sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn cao hơn. Việc đáp ứng được hai thị trường này đương nhiên hàng hóa cũng sẽ đáp ứng được quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của các thị trường khác, mở ra cơ hội XK quả vảo sang các thị trường khác trong thời gian tới.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: đối với các thị trường khó tính về chất lượng sản phẩm, quy trình làm thủ tục để đưa mặt hàng mới như rau quả, trái cây thường mất 5-8 năm và quả vải của Việt Nam, để sang được Mỹ, Australia cũng mất tới 4 năm.
Có thể nói việc đảm bảo các quy định để có thể thành công các sản phẩm nông sản vào thị trường các khó tính không phải là điều đơn giản, do vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, bước tiếp theo là khâu nỗ lực trong việc xây dựng, quảng bá sản phẩm và giữ hình ảnh.
Trả lời cho câu hỏi Việt Nam có thể xuất khẩu vải được nhiều hơn, tránh tình trạng ùn tắc, "được mùa rớt giá" vẫn thường diễn hay không, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, trước mắt, chưa thể kỳ vọng sẽ tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu vải vào Mỹ, Australia trong 1, 2 năm tới. Tuy nhiên, đây là bước đi quan trọng và ý nghĩa bởi khi được những thị trường khó tính đã chấp nhận thì trái cây của Việt Nam sẽ “đường đường chính chính” để xuất khẩu.
Theo thống kê, sản lượng vải năm 2015 ước đạt 200.000 tấn. Việc tiêu thụ số lượng vải này chưa thể "trông chờ" vào xuất khẩu sang những thị trường như Mỹ, Australia mà vẫn phải "trông" vào tiêu thụ nội địa và xuất sang Trung Quốc. Tính toán của Bộ Công Thương, khả năng tiêu thụ tại Trung Quốc và nội địa trong năm 2015 cũng tương đương như năm ngoái, lần lượt là 40% và 60%.
Để tìm đầu ra cho quả vải, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 6 sẽ tổ chức cuộc họp tại TP. HCM bàn về tiêu thụ vải thiều cho nông dân bởi trường nội địa hiện là kênh phân phối hiệu quả và có nhu cầu lớn đối với loại quả này.
Đặc biệt, mới đây, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn về việc triển khai xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, nếu hình thành khu trung chuyển hàng hóa sẽ giải quyết một cách hiệu quả tình trạng ách tắc hàng hóa như hiện nay, đồng thời giúp thương nhân Trung Quốc có thể trực tiếp sang Việt Nam tìm hiểu, trao đổi thị trường và ngược lại.
Theo báo Hải Quan.