Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Lo lắng xuất khẩu nửa đầu năm

5/25/2015 10:25:20 AM

Kim ngạch XK tăng chậm, đặc biệt là kim ngạch XK nhiều mặt hàng chủ lực, là điểm đáng chú ý trong 4 tháng đầu năm nay. Sự sụt giảm về kim ngạch của những mặt hàng này sẽ ảnh hưởng tương đối lớn đến mục tiêu XK chung của cả nước.

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập siêu 4 tháng đầu năm nay của cả nước ở mức 2,07 tỷ USD, thấp hơn so với số liệu nhập siêu 3 tỷ USD mà Tổng cục Thống kê ước tính trước đó. Cụ thể, tổng kim ngạch XNK của cả nước trong 4 tháng đạt gần 101,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, tổng kim ngạch XK đạt gần 49,7 tỷ USD, NK đạt 51,7 tỷ USD tăng 16,6% so với cùng kỳ.

Giảm tốc

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, XK 4 tháng đầu năm của cả nước đạt gần 49,7 tỷ USD, tăng 6,9% (tương đương với tăng 3,1 tỷ USD), trong đó khu vực DN 100% vốn trong nước đạt 16,1 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch XK của cả nước, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch XK của các DN FDI (không kể dầu thô) đạt 33,6 tỷ USD tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Nếu chỉ nhìn vào những con số trên, có thể thấy, XK vẫn đang trên đà tăng trưởng, tuy nhiên, tốc độ XK đang chậm lại. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2014, kim ngạch XK đạt 46,5 tỷ USD, tăng 18,6%, cao gấp gần 3 lần tăng trưởng XK của năm 2015. Một lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, mức tăng trên là mức tăng thấp so với các năm trước cũng như thấp hơn kế hoạch đề ra là tăng trưởng XK 10%.

Nếu nhìn vào nhóm hàng XK chủ lực thì thấy rằng, XK suy giảm nghiêm trọng tới mức báo động. Nhiều mặt hàng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Hàng thủy sản đạt 1,89 tỷ USD, giảm tới 15,9%; cà phê đạt 988 triệu USD, giảm 40% về lượng và 38,6% về giá trị; gạo đạt 815 triệu USD, giảm 13%... Bên cạnh đó, hầu hết kim ngạch XK các mặt hàng nhiên liệu, khoáng sản đều giảm mạnh. Giảm mạnh nhất là than đá đạt 80,8 triệu USD, giảm 78% lượng và 67,6% về giá, tiếp đến là xăng dầu các loại giảm 59,4%. Dầu thô là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đạt 1,3 tỷ USD, giảm 42,4%. Duy chỉ có mặt hàng quặng và khoáng sản khác có kim ngạch XK tăng, với mức tăng 23,6%, đạt 75,34 triệu USD.

Cùng chung xu hướng trên, nhóm hàng công nghiệp chế biến - động lực chính cho XK chiếm tới 77,9% trong tổng kim ngạch XK cũng có 6 mặt hàng có kim ngạch XK giảm, gồm: Phân bón các loại giảm 25%, sản phẩm gốm sứ giảm 2,6%, sắt thép các loại giảm 14,9%, phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 18,8%, clanhke và xi măng giảm 25,2%. Đặc biệt, hai mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất cả nước là điện thoại các loại và linh kiện, dệt may dù có mức tăng trưởng lần lượt là 14,9% và 8,7% so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng cũng đã chậm lại, không còn cao như năm trước.

Vì sao?

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân khiến XK không cao là do kim ngạch XK nhóm hàng nông, thủy sản giảm mạnh so với cùng kỳ. Sở dĩ nhóm hàng này giảm mạnh là có lý do khách quan: Các tháng đầu năm thường chưa phải thời điểm và mùa vụ XK nên lượng XK giảm. Tuy vậy, lý do sâu xa hơn là do XK chưa thoát ra khỏi “vỏ bọc” XK thô, phụ thuộc vào thị trường thế giới. Trên thực tế, các bộ, ngành đã nhìn thấy sự đi xuống rõ rệt của nhóm hàng này. Do vậy, đã có rất nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng này nhưng vẫn chưa có giải pháp đủ mạnh tác động ngay đến thị trường.

Cũng do yếu tố thị trường, mặt hàng XK lớn thứ 2 của Việt Nam - dệt may đang tăng trưởng chậm lại. Nhiều DN dệt may cho phóng viên Báo Hải quan biết, DN gặp khó khăn chính từ bên ngoài là vấn đề về thị trường, đơn hàng. Nguyên nhân xuất phát từ việc kinh tế thế giới khó khăn nên đơn hàng bị xé lẻ, không tập trung. Một vấn đề khác cũng được quan tâm là “vì sao điện thoại các loại và linh kiện tăng chậm lại?”. Đó là vì XK của mặt hàng này đã đến “ngưỡng”. Sau một thời gian tăng trưởng đột biến, từ 126% trong năm 2012, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đã giảm xuống còn 45,3% trong năm 2013 và chỉ đạt 11,1% trong năm 2014. Trong khi nhóm hàng này đóng góp phần lớn cho kim ngạch XK của DN FDI thì việc sụt giảm về tốc độ trên cũng đã tác động lớn tới kim ngạch XK của cả nước.

Đối với nhóm nhiên liệu, khoáng sản, giá dầu thô và xăng dầu XK giảm mạnh là nguyên nhân chính kéo kim ngạch XK của nhóm giảm.

Tìm cách khơi thông

Mới đi được 1/3 chặng đường, chưa thể đánh giá được mức độ hoàn thành chỉ tiêu XK cả năm (163 tỷ USD) nhưng những khó khăn từ 4 tháng đầu năm chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu chung của cả nước. Bên cạnh đó, hoạt động XK của Việt Nam đang chịu sự tác động từ sự sụt giảm của giá cả hầu hết hàng hóa trên thế giới, trong đó có cả những hàng hóa XK mà Việt Nam có lợi thế. Nhiều chuyên gia dự báo, với đà XK của năm 2015 khó khăn hơn, nhất là cầu bên ngoài còn yếu và nhiều nước giảm giá mạnh đồng nội tệ so với đồng USD, sẽ dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2015 ở mức cao.

Với những khó khăn trên, khơi thông thị trường để đẩy mạnh XK là mục tiêu hàng đầu cần được thực hiện. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh đến việc tiêu thụ hàng nông sản bằng cách triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, dự báo, tạo điều kiện cho người dân và DN. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ ban hành chỉ thị để hỗ trợ DN phát triển thị trường XK, tăng cường hơn nữa tính trách nhiệm, sự chủ động năng động của các bộ, ngành và sự phối hợp của các bộ với nhau để tháo gỡ khó khăn cho DN. Đối với các mùa vụ sắp tới, ông Nguyễn Cẩm Tú yêu cầu Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi cần chuẩn bị kỹ các nội dung, có các giải pháp căn cơ, lâu dài đối với việc XK qua biên giới; đưa ra những quy định phù hợp về chất lượng, quy cách đóng gói mà phía đối tác yêu cầu.

Về lâu dài, khi một số “đầu tầu” XK của Việt Nam như điện thoại đã gia công đến “ngưỡng”, muốn tăng trưởng XK thì Việt Nam cần dựa vào lợi thế của chính mình để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm bằng cách đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương:

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, báo cáo Chính phủ, đồng thời phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ hướng tới tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục XK nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN XK.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương):

Bộ Công Thương đã có định hướng cụ thể đối với từng nhóm hàng XK. Cụ thể, mặt hàng nhiên liệu khoáng sản trong thời gian tới cần giảm XK thô và nếu có phải có tăng chế biến các sản phẩm dầu thô. Đối với công nghiệp chế biến như cơ khí, đồ gỗ, nhựa, điện tử điện thoại... cần nâng cao hàm lượng công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm phụ thuộc vào NK với chủ trương chung tăng hàm lượng công nghệ và chất xám. Nhóm hàng nông, thủy sản, trước mắt Việt Nam chưa thể bỏ qua những mặt hàng này vì Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp. Với việc diện tích sản xuất đã đến ngưỡng, sản lượng đến ngưỡng, cần phải đi vào chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.

TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương):

XK tăng trưởng chậm lại với nhiều nguyên nhân như: Yếu tố thời vụ (đầu năm bao giờ XK cũng chậm vì vướng tết Dương lịch, Âm lịch…), nhiều mặt hàng XK đã đến “ngưỡng”, đặc biệt XK nông sản giảm rất mạnh bởi giá cả trên thị trường thế giới giảm, nhu cầu giảm, nguồn cung thế giới tăng…

Dự báo từ nay đến cuối năm, để XK tăng trưởng không phải muốn là được mà phải có các giải pháp tháo gỡ. Điều này phụ thuộc vào tình hình thế giới, sự phục hồi của kinh tế trong nước. Liệu giá cả thế giới, nhu cầu trên thế giới có tăng hay không? Hiện nay lượng XK tăng không nhiều, giá XK lại không tăng, thì tăng trưởng XK sẽ gặp nhiều thách thức. Dự báo những tháng cuối năm XK có thể tăng cao hơn 4 tháng vừa qua, nhưng có tăng mạnh hay không thì chưa thể nói trước được. Năm nay khả năng tăng trưởng sẽ không thể bằng năm ngoái. Một điều cần lưu ý nữa là tốc độ tăng trưởng XK trong nhiều năm gần đây đang chậm lại. Năm 2012 tăng trưởng XK 18%, năm 2013 là 15,7%, năm 2014 là 14%. Năm nay có thể thấp hơn nữa.

Theo báo Hải Quan.

TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN KHÁC
Gạo, tỏi gây căng thẳng đàm phán FTA với Hàn Quốc (5/22/2015 12:05:41 PM)
VKFTA: “Con đường đã mở, song đi ra sao lại thuộc về doanh nghiệp” (5/22/2015 12:03:26 PM)
Ít thông tin về hiệp định thương mại, doanh nghiệp khó ra chiến lược (5/22/2015 11:52:24 AM)
Đồng Riel Campuchia ngày càng được ưa chuộng (5/22/2015 11:37:07 AM)
Kinh tế Trung Quốc tháng 4 ảm đạm (5/21/2015 10:55:15 AM)
Dấu hiệu tích cực của kinh tế Nhật Bản (5/21/2015 10:50:59 AM)
Xăng tăng giá 1.200 đồng/lít (5/21/2015 10:45:38 AM)
Nộp thuế trực tiếp sẽ không phải khai bảng kê nộp tiền (5/21/2015 10:40:32 AM)
Điều chỉnh tỷ giá, hỗ trợ tích cực cho XK thủy sản (5/21/2015 10:39:03 AM)
Mất hàng tỉ đồng vì kiểm dịch rườm rà (5/20/2015 11:47:56 AM)
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com