Xuất nhập khẩu, sản phẩm xuất xưởng của Trung Quốc trong tháng 4 đều giảm, nợ xấu địa phương tăng.
Trung Quốc vừa công bố các chỉ số kinh tế tháng 4/2015, theo đó, giá cả các loại mặt hàng đều tăng mạnh, trong khi đó chỉ số giá xuất xưởng của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lại đi xuống, xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2014. Các yếu tố đó cho thấy áp lực đi xuống của kinh tế Trung Quốc là vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, những chỉ số này vẫn thấp hơn đánh giá của thế giới. Các chuyên gia chỉ ra rằng, một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trên thực tế đang xảy ra tại Trung Quốc, chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường liệu có vượt qua được thời điểm khó khăn này hay không còn cần thời gian quan sát.
Các chỉ số kinh tế ảm đạm
Ngày 9/5, Tổng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 tăng 1,5% so với cùng kỳ 2014; chỉ số giá xuất xưởng sản xuất công nghiệp PPI giảm 4,6% so với cùng kỳ. Những số liệu này đều thấp hơn mức 1,6% và 4,4% so với điều tra của Reuters. Đáng chú ý, chỉ số giá sản xuất đã đi xuống trong 38 tháng liên tiếp.
Trước đó, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cũng công bố, xuất khẩu tháng 4 giảm 6,4%, nhập khẩu giảm 16,2%.
Ngoài ra, chỉ số các nhà sản xuất mua sắm chế tạo PMI đạt 50,1 điểm. Trong khi đó, chỉ số mà hai công ty HSBC Holdings PLC (Anh) và Công ty Dịch vụ Thông tin Tài chính toàn cầu Markit cùng công bố thì PMI của Trung Quốc chỉ đạt 48,9 điểm - mức thấp nhất từ năm 2014 đến nay, điều này cho thấy PMI đã ở ngưỡng giới hạn đỏ.
Giáo sư Hà Quân Tiều, nhà quan sát doanh nghiệp Trung Quốc sống tại Mỹ, nói: “Số liệu Trung Quốc đưa ra không có tính chính xác cao. Tuy nhiên, dù thế nào thì thực tế nền kinh tế đi xuống đã rất đỗi nghiêm trọng, có thể nói là nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1990 trở lại đây. Hiện nay, thị trường đều xuống giá, lạm phát in tiền thừa thãi, áp lực sinh tồn sẽ ngày càng lớn hơn”.
Còn theo Giáo sư Tạ Điền, Học viện Thương mại, Đại học Carolina (Mỹ), “Dường như các lãnh đạo Trung Quốc đang cố ý cho quả bong bóng này bị vỡ, họ cho phép các số liệu trở nên ngày càng xấu đi, ngày một tiệm cận với con số chân thực. Mức độ khủng hoảng kinh tế Trung Quốc vượt xa hơn nhiều so với những gì mà chúng ta biết. Tôi vẫn luôn cho rằng kinh tế Trung Quốc đã bước vào thời kỳ suy thoái và đổ vỡ”.
Nợ xấu vẫn cao
Những tháng gần đây, tổng thu tài chính của Trung Quốc đã tăng trưởng chậm hơn so với tổng chi tài chính. Tổng thu tài chính của trung ương và địa phương đã tăng khoảng 8% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng chi tài chính tăng đến 33% so với năm ngoái.
Các chính quyền địa phương đang đối mặt với khoản nợ xấu tăng lên do chi tiêu quá nhiều vào xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án khác cần đầu tư tài sản cố định. Tháng 4, tình trạng trái phiếu đáo hạn nhưng chưa trả nợ của Trung Quốc cũng nghiêm trọng hơn.
Năm nay, số trái phiếu đã đến kỳ trả nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc đạt 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT). Tháng 3/2015, Bộ Tài chính đã trích ra 1 nghìn tỷ NDT để mua trái phiếu của các địa phương, với mục đích biến các trái phiếu cũ đã đáo hạn có giá cao chuyển thành trái phiếu mới với lãi suất thấp.
Đài châu Á Tự do (Mỹ) bình luận, trái phiếu không đáo được nợ trở thành “trạng thái bình thường mới” của thị trường trái phiếu Trung Quốc.
Trung Quốc đi ngược lại quy luật thị trường
Thời gian trước, thị trường cổ phiếu của Trung Quốc tăng giá chóng mặt, chỉ tính riêng từ đầu tháng 3 đến hạ tuần tháng 4, chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải đã tăng đột biến hơn 32%. Thế giới bên ngoài bình luận, việc thị trường cổ phiếu Trung Quốc tăng điểm đã hoàn toàn đi ngược lại quy luật kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc hiện nay.
Tuy nhiên ông Hà Quân Tiều chỉ ra rằng, chính phủ cũng không phải là vạn năng, đi ngược lại với quy luật kinh tế, dùng thị trường cổ phiếu, thị trường bất động sản để “chọc ghẹo” tài chính, cuối cùng sẽ chịu sự trừng phạt của quy luật kinh tế.
Theo Giáo sư Trương Thanh Khê, khoa Kinh tế, Đại học Đài Loan, Ngân hàng Trung ương thông qua các ngân hàng “ngầm” để vét tiền trong dân, nợ xấu gây ra từ quá trình đó rất dễ làm bùng phát bạo loạn trong xã hội.
Ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ đưa Trung Quốc vượt khỏi cửa ải khó khăn hiện nay như thế nào, vẫn cần thời gian quan sát. Không ai đánh giá thấp khả năng tái cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc. Hôm thứ ba vừa rồi, ngày 19/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra kế hoạch đến năm 2025 đưa Trung Quốc trở thành cường quốc công nghiệp, chuyển biến các sản phẩm từ “Sản xuất tại Trung Quốc” (Made in China) thành “Sáng tạo tại Trung Quốc” (Created in China)./.
Theo Toquoc