Thông tin từ Hiệp hội thủy sản Việt Nam (Vasep), sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VNĐ và USD từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD đã có tác động tích cực, khắc phục những khó khăn của XK thủy sản do biến động về tỷ giá ngoại tệ trong thời gian gần đây. Dự báo XK thủy sản sẽ hồi phục sau điều chỉnh tỷ giá.
Theo Vasep, có đến hơn 90% DN thủy sản lựa chọn USD là đồng tiền thanh toán thương mại quốc tế cho các đơn hàng. Đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua sẽ tác động trực tiếp theo hướng tích cực cho các DN XK sang thị trường Mỹ.
Mặc dù, các DN XK sang EU, Nhật Bản, Trung Quốc… vẫn thu USD nhưng cho đến nay, tỷ giá các đồng nội tệ ở những thị trường này vẫn đang mất giá so với đồng USD. Điều này dẫn tới, nhu cầu vẫn chưa tăng cao, khách hàng tiếp tục đòi giảm giá NK.
Trong khi đó, các DN XK tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước đối thủ như: Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh… Chính phủ các nước đang thả nổi tỷ giá nước họ lên tới hàng chục % để ủng hộ cho XK. Khó khăn hơn, trên thị trường thế giới, VNĐ đang thực sự yếu hơn so với Nhân dân tệ, Rupee, Taka, Peso… Đó đã là một thiệt thòi của các DN Việt Nam so với các nước nguồn cung khác.
Ước tính, từ đầu năm tới nay, đồng Yên đã giảm 15-20%, đồng EUR cũng giảm sâu tới 20% so với USD. Điều này dẫn tới nhu cầu NK của 2 thị trường lớn thứ 2 và 3 thủy sản Việt Nam là: EU và Nhật Bản giảm mạnh.
Tính đến hết tháng 3-2015, giá trị XK sang thị trường XK EU đạt 251 triệu USD, giảm 10,7%; giá trị XK sang Nhật Bản đạt 193 triệu USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị XK tôm sang EU giảm 3%; sang Nhật Bản giảm 27,6%; giá trị XK cá tra sang EU cũng giảm 17,7%; XK cá ngừ sang EU giảm 15,5% và sang Nhật Bản giảm mạnh tới 43,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá dầu thô giảm kéo theo đó là chính sách duy trì giá trị đồng nội tệ thấp để thúc đẩy XK, giảm NK của nhiều quốc gia khiến cho XK của Việt Nam gặp nhiều bất lợi. Điều này đã tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa XK của các nước khác sang thị trường Mỹ và các thị trường NK lớn khác trong khi các khách hàng NK phải mua hàng Việt Nam với giá cao hơn. Do đó nhu cầu NK ngày càng giảm đi đôi với việc thương lượng để được giảm giá bán.
Một số DN XK thủy sản cho rằng, việc nới lỏng tỷ giá vừa qua của NHNN phần nào giảm căng thẳng về mức độ ổn định sẽ gây bất lợi cho hàng nông lâm thủy sản XK. Theo đó, trong thời gian tới, khi tình hình XK khả quan hơn sẽ tác động ngược lại theo hướng tích cực vào giá thủy sản nguyên liệu.
Nếu thị trường XK tốt hơn, tiêu thụ tăng hơn trong quý II và III/2015, giá nguyên liệu tôm, cá tra trong nước sẽ tăng theo. Tuy nhiên, hiện nay khi nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được sản xuất, các DN NK nguyên liệu lại không có lợi.
Nhưng nhiều DN XK tôm, cá tra đang trông đợi vào những chuyển biến tích cực cho hoạt động kinh doanh trong các quý tới nhờ những triển khai quyết liệt, đồng bộ của các Bộ ngành, địa phương các mục tiêu của Nghị quyết 19/CP-CP nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, DN, của quốc gia. Việc nới lỏng biến động tỷ giá chỉ là một động thái trong nhiều các biện pháp khác để thúc đẩy XK. Nhiều yếu tố khác ảnh hưởng mạnh tới hoạt động XK tăng hay giảm trong quý tới, năm tới.
Kế hoạch trước mắt của các DN là ứng phó linh hoạt với những biến động của thị trường XK, tranh thủ điều kiện, cơ hội mà các chính sách trong nước đang mang lại. Biến động tỷ giá cũng là một khó khăn không tác động trực tiếp tới sản xuất, XK nhưng đã tạo hiệu ứng không tốt cho XK thủy sản kể từ cuối năm 2014 đến nay. Dự báo sau động thái điều chỉnh tỷ giá, dự báo XK thủy sản sẽ có động lực hồi phục trong thời gian tới.
Theo báo Hải Quan.