Thương mại điện tử trên nền tảng di động là hướng phát triển tất yếu trong thương mại điện tử với 1/3 trong tổng số thời gian online là trên thiết bị di động
Hội thảo Phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam vừa tổ chức đã đưa ra dự báo, đến năm 2018, thương mại điện tử trên nền tảng di động sẽ chiếm tới gần 50% của TMĐT trên toàn cầu.
Thương mại điện tử trên di động là xu hướng tất yếu
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương khẳng định, thương mại điện tử trên nền tảng di động là hướng phát triển tất yếu trong TMĐT.
Số liệu thống kê cho thấy, 1/3 tổng số thời gian online trên thiết bị di động; 58% lượng truy cập từ 18h – 23h trên thiết bị di động.
Các dịch vụ ngân hàng – thanh toán, dịch vụ tương tác, dịch vụ nội dung số, ứng dụng, trò chơi, quảng cáo, mua sắm qua thiết bị di động đang trở thành một trào lưu, một xu hướng phổ biến bởi tính thuận tiện, linh hoạt, kết nối dễ dàng.
Thương mại điện tử tại Việt Nam những năm gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ. Trong đó, việc phát triển và ứng dụng các giải pháp TMĐT trên nền tảng công nghệ di động để hỗ trợ hoạt động kinh doanh đang trở thành một xu hướng mới của TMĐT Việt Nam và thế giới.
Theo Báo cáo mới nhất thương mại điện tử Việt Nam năm 2014, ước tính doanh thu được từ TMĐTg (B2C - từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng) đạt 2,97 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2013 và chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước.
Ông Linh cho biết, bên cạnh hình thức truy cập Internet truyền thống qua máy tính xách tay, người tiêu dùng Việt Nam đang dần chuyển hướng sang sử dụng các thiết bị di động để truy cập Internet.
Nếu năm 2010, số người truy cập Internet qua điện thoại di động chỉ ở mức 27%, thì sau 4 năm tỷ lệ này đã tăng 38% và đạt mức 65% năm 2014.
Sự gia tăng mạnh về tỷ lệ Internet qua điện thoại di động cho thấy dư địa dành cho hoạt động TMĐT nói chung và hoạt động TMĐT trên nền tảng di động Việt Nam rất lớn và đây không phải là hiện tượng cá biệt ở Việt Nam mà nhìn từ một số quốc gia trên thế giới, TMĐT đã trở thành một yếu tố rất quan trọng trong phát triển thương mại.
Ở một số quốc gia phát triển có ứng dụng cao về công nghệ, doanh thu từ TMĐT trên nền tảng di động có những nước chiếm gần 50% như Hàn Quốc, Nhật Bản.
TMĐT là xu thế chung, có được sự tham gia sâu rộng của mọi tầng lớp người dân, người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh, các công ty, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ.
Trong thời đại công nghệ thay đổi từng ngày như hiện nay, TMĐT trên nền tảng di động chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong TMĐT nói riêng và trong phát triển thương mại, dịch vụ nói chung.
Và theo dự báo, năm 2018, TMĐT trên nền tảng di động sẽ chiếm tới gần 50% của TMĐT trên toàn cầu.
Ưu điểm lớn của TMĐT trên nền tảng di động đó chính là tính thuận tiện, linh hoạt, kết nối dễ dàng cùng sự hỗ trợ của hệ thống định vị…Theo đại diện Công ty CP VNG, 75% khách hàng sử dụng dịch vụ cho rằng, Internet giúp họ rất nhiều về tìm kiếm sản phẩm mới.
Tiềm năng lớn
Với 39% dân số sử dụng Internet và 34% sử dụng Internet qua nền tảng di động, Việt Nam có tiềm năng lớn về thương mại điện tử trên nền tảng di động.
Đại diện Công ty cổ phần giải pháp công nghệ Tsoft-G7 cho rằng, còn có rất nhiều tiềm năng ứng dụng trên nền tảng di động đối với thị trường Việt Nam bởi với dân số 90 triệu người, số lượng thuê bao di động trên 130 triệu thuê bao (1 người Việt trung bình có 1,45 thẻ SIM điện thoại), trong đó còn nhiều mảng ứng dụng khác còn bỏ ngỏ như về y tế, giáo dục, các chương trình dành cho trẻ em…
Ông Nguyễn Phượng Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ (Sendo.vn), một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2014 cho biết, các doanh nghiệp thương mại điện tử đang có nhiều cơ hội để gia tăng doanh thu từ lĩnh vực hoạt động này, do thi trường Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất là giao dịch bằng thẻ ghi nợ nội địa và tài khoản ngân hàng bị hạn chế trên nền tảng của thiết bị cầm tay và chưa theo được với xu hướng người dùng mới. Chưa kể, các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước cũng đang bị hạn chế về khả năng chuyển đổi /mở rộng website sang webmobile, nguồn nhân lực triển khai cơ sở hạ tầng/giải pháp công nghệ thông tin thiếu và yếu.
Dẫu còn tồn tại những hạn chế nhất định, nhưng theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thì xu hướng chính của thị trường thương mại điện tử trên nền tảng di động tại Việt Nam trong năm 2015 và vài năm tới chủ yếu xoay quanh các dịch vụ thương mại trên di động; Dịch vụ ngân hàng - thanh toán trên di động; Dịch vụ tương tác trên di động; Dịch vụ nội dung số trên thiết bị di động và Ứng dụng, trò chơi trên di động.
Riêng mảng Ứng dụng trò chơi trên di động tại Việt Nam trong năm 2014 đã thu về doanh thu 210 triệu USD, tăng 75% so với 2013. Tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ chậm dần và đạt mức 410 triệu USD vào năm 2017.
Theo Báo Đầu tư