Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Brazil, hay còn gọi là Copom, ngày 3/6 đã nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2009 là 13,75%, trong một nỗ lực nhằm thắt chặt hơn nữa các chính sách tiền tệ của đất nước.
Ngân hàng này cũng “để ngỏ” khả năng có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất lên trong thời gian tới, bất chấp những quan ngại về việc lãi suất cho vay ở mức cao sẽ khiến nền kinh tế đất nước thêm lao đao.
Động thái này của Copom không nằm ngoài dự đoán của thị trường. Brazil, một trong những quốc gia “mạnh tay” nhất trên thế giới trong việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát hiện đang ở mức cao nhất của 11 năm, đã nâng đến 2,75 điểm phần trăm lãi suất trong vòng hơn sáu tháng qua và có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, để đưa lạm phát về mức mục tiêu 4,5% vào cuối năm 2016.
Động thái này, mặc dù đã giúp Copom thành công trong việc lấy lại lòng tin của giới đầu tư, song cũng có thể gây phương hại đến nền kinh tế được cho là sẽ rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong 25 năm.
Một số chuyên gia kinh tế, thậm chí cả các cơ quan xếp hạng tín nhiệm, đã bắt đầu cảnh báo rằng việc tăng lãi suất quá nhanh có thể cản trở những nỗ lực hạn chế chi tiêu để cắt giảm nợ của Bộ trưởng Tài chính Joaquim Levy.
Hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s cũng cho hay việc lãi suất ở mức quá cao có thể khiến tỷ lệ nợ của Brazil vượt mức 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong những năm tới, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xếp hạng đầu tư quốc gia.
Hồi tháng Chín năm ngoái, Moody’s đã cảnh báo sẽ hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Brazil từ mức Baa2 trong vòng từ 12-18 tháng tới, nếu tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn ở mức thấp./.
Theo TTXVN/VIETNAM+