Tại thời điểm này, các vùng trọng điểm như Tân Yên, Lục Ngạn, Lục Nam (Bắc Giang)... vải thiều sớm đã cho thu hoạch. Người dân phấn khởi vì vải được giá, tiêu thụ thuận lợi.
Một nông dân trồng vải thiểu ở thôn Cạn, xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) cho biết, từ ngày 15/5 đến nay trung bình mỗi ngày gia đình bẻ từ 1-3 tạ quả, bán chủ yếu cho các thương lái người Việt thu mua dọc tuyến đường trục xã, vải thiều được thương lái thu mua với giá từ 20.000 – 23.000 đồng/kg, so với trước đó giảm 3.000 – 5.000 đ/kg.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Yên, toàn huyện có 1.600 ha vải, trong đó diện tích vải thiều sớm có 1.023 ha (đang cho thu hoạch) nằm chủ yếu ở xã Phúc Hòa (450 ha), Cao Thượng (hơn 300 ha), Hợp Đức (200 ha)…, còn lại là diện tích vải muộn gần 600 ha dự thu vào cuối tháng 6. Vải sớm của huyện do sản lượng ít, nên đa phần đều bán cho thương lái nội địa như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Vải sớm rất được giá, không bao giờ lo ế.
Không chỉ có vải sớm Phúc Hòa, tại các xã ở huyện Lục Ngạn như: Phượng Sơn, Tân Mộc, Nam Dương, Nghĩa Hồ... nhiều xe tải nhỏ đỗ nối đuôi nhau chờ “ăn” hàng đi các tỉnh lân cận. Chủ vườn vải tại thị trấn Chũ, hồ chởi chia sẻ, tôi cân vải tại nhà đã hơn chục năm. Vải sớm tôi thu mua theo đơn đặt hàng của khách, có ngày chỉ vài tạ nhưng cao điểm có thể lên 5 đến 7 tấn. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biets, vụ thu hoạch vải sớm tại 2 xã Tân Mộc và Nam Dương bắt đầu từ ngày 25 - 27/5, trước đó một số đơn vị, doanh nghiệp đặt hàng mua vải chính vụ như Rồng Đỏ (TP.Hồ Chí Minh) đặt hàng với giá cao mua hơn 100 tấn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đặt 5.000 tấn”.
Tín hiệu giá cả tại thị trường nội địa khá sáng sủa là khởi đầu tốt đẹp cho mùa vải chính vụ, với hơn 1.000 ha, sản lượng vải sớm của huyện Tân Yên ước đạt 6.000 tấn quả, tăng 1.500 tấn so với năm ngoái, ước thu khoảng 90 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa nhận định, theo đánh giá của các thương nhân, vụ này, vải Phúc Hòa có mẫu mã đẹp hơn, vỏ mỏng, vị ngọt thanh đạt chất lượng cao nên ít gặp khó khăn trong khâu tìm đầu ra, đặc biệt là người dân không bị ép giá dù sản lượng ít hay nhiều.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang chia sẻ, diện tích vải sớm toàn tỉnh hiện có 6.000 ha, trong đó gần 450 ha vải sản xuất theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, các hộ dân chủ động áp dụng quy trình này với diện tích gần 1.000 ha. Đây là một trong những giải pháp đột phá góp phần tăng năng suất, chất lượng vải sớm.
Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang- cho biết, để điều tiết thị trường, Sở phối hợp với chính quyền địa phương và người dân để có những giải pháp “dài hơi” từ khâu thu hoạch đến khâu tiêu thụ. Hàng ngày, Sở Công Thương đều cập nhật thông tin giá tại một số chợ đầu mối nông sản trong nước, các cửa khẩu và những vùng trồng vải trọng điểm trong tỉnh Bắc Giang trên website: bacgiangintrade.gov.vn.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sắp tới Vụ sẽ phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp gỡ các thương nhân, công ty, chợ đầu mối để đẩy mạnh tiêu thụ vải ở thị trường chợ truyền thống và siêu thị.
Vải thiều: Thu hoạch 200 ngàn tấn, xuất khẩu Úc, Mỹ 5 tấn
Mùa vải này cả nước sẽ thu hoạch khoảng 200 ngàn tấn, hai thị trường mới mở Úc, Mỹ mới xuất được 5 tấn.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh, những tấn vải thiều xuất khẩu sang Mỹ, Úc mới chỉ là bước đi đầu tiên. Chúng ta chưa thể kỳ vọng có ngay kết quả xuất khẩu vải thiều lớn vào 2 thị trường khó tính này. Năm 2015, tiêu thụ quả vải của Việt Nam vẫn phải trông chờ vào thị trường nội địa và Trung Quốc.
Tính tới thời điểm này, đã có khoảng 2 tấn vải thiều Lục Ngạn được thu mua sang Mỹ, 3 tấn vải được đưa sang Úc và trước nữa, vải đã đi Pháp. Vietnam Airline đã giảm 20% giá cước vận chuyển để hỗ trợ vải thiều Việt Nam đi Pháp.
Thông thường với các thị trường chặt chẽ, khó tính, một quy trình để làm thủ tục, đưa một mặt hàng mới, đặc biệt là rau quả thâm nhập thành công vào thị trường này sẽ mất 5- 8 năm, hoặc lâu hơn. Riêng quả vải, để được chấp thuận sang Úc, chúng ta mất 4 năm trước đó.
Riêng năm 2015, ông Trần Tuấn Anh khẳng định, quả vải đi các thị trường Mỹ, Úc sẽ không có đột biến. Việc tiêu thụ vải trên dưới 200.000 tấn của cả nước hiện nay sẽ vẫn phải trông chờ vào thị trường nội địa và xuất khẩu Trung Quốc. Trong đó, 60% là tiêu thụ nội địa và 40% là Trung Quốc. Các năm tới, mức tiêu thụ này sẽ có xê dịch chút ít dưới tác động trên.
Đầu mùa, có nơi quả vải bị "hét" tới 90.000 đồng/kg, nhưng hiện, tại Hà Nội, vải thiều có giá trung bình chỉ còn 25.000 đồng/kg do đang vào chính vụ.
Hapro cam kết tiêu thụ 1.000 tấn vải thiều Thanh Hà
Tại buổi họp giữa Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cùng UBND huyện Thanh Hà và các cơ quan tỉnh Hải Dương bàn các phương án tiêu thụ vải thiều tại thị trường nội địa, ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch hội đồng thành viên Hapro cho hay, đây là lần đầu tiên Tổng công ty tham gia tiêu thụ vải thiều, một lĩnh vực còn khá mới mẻ với Hapro nên sẽ khá mạo hiểm. Tuy nhiên, đây là bước đi ban đầu để Tổng công ty xây dựng chiến lược bài bản có tính dài hơi trong tiêu thụ nhiều loại nông sản khác sau này, chứ không chỉ riêng vải thiều- ông Thắng khẳng định.
Tham gia kinh doanh vải thiều, Hapro xây dựng kế hoạch bài bản từ khâu tổ chức thu mua, in ấn bao bì, đến vận chuyển, bảo quản, và phân phối…, với mục tiêu tạo ra kênh tiêu thụ vải thiều đến tay người tiêu dùng với giá rẻ nhưng tạo được sự khác biệt trên thị trường. Tổng công ty sẽ triển khai 100 điểm bán buôn, bán lẻ vải thiều tại tất cả hệ thống phân phối của Hapro ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, huy động 6.000 nhân viên của tổng công ty tham gia vào việc bán vải thiều.
Tại các điểm bán hàng của Hapro Hà Nội, vải thiều Thanh Hà sẽ được trưng bày tại các vị trí bắt mắt, tiện lợi cho việc mua sắm của khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ bán vải thiều Thanh Hà trên các trang mạng xã hội và trang thông tin điện tử của công ty.
Theo UBND huyện Thanh Hà, vụ vải năm nay toàn huyện có khoảng 60 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại 4 xã Thanh Sơn, Thanh Khê, Thanh Xá và Thanh Thủy.
Theo Vinanet/Báo công thương điện tử, Vietnamnet.vn