|
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến chênh lệch thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Liên quan đến số liệu thống kê về giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc do đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín (Bình Dương) đề cập, trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 8-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, con số đại biểu nêu là hoàn toàn chính xác. Nghĩa là có chênh lệch giữa số liệu xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc.
|
"Là người ở biên giới 40 năm, quản lý biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tôi rất rõ điều này. Có buôn lậu, có gian lận thương mại điều đó không tránh khỏi, có nhập hàng vào và chúng ta không kiểm soát hết được nhưng không phải chênh lệch giá trị bao nhiêu tỷ này là nói rằng khoảng cách giữa hàng nhập, hàng xuất của chúng ta còn nhiều hơn là chưa chắc... Chúng ta toàn xuất hàng cấm theo đường lậu thì cũng không phải".
(Trích phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh). |
| "Chúng ta đã chứng minh hàng Trung Quốc vào Việt Nam rất nhiều, điều đó là đúng. Tuy nhiên, những chênh lệch số liệu lớn này thì không hoàn toàn suy luận như vậy", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, số liệu về xuất nhập khẩu hàng năm là Tổng cục thống kê lấy từ số liệu của cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết tất cả các số liệu của xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước đều có "câu chuyện" như Trung Quốc chứ không phải chỉ có Trung Quốc với Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ví dụ: Singapore năm 2014, Việt Nam thống kê chúng ta xuất nhập khẩu với Singapore 9,8 tỷ đô la Mỹ, nhưng Singapore lại thống kê xuất nhập khẩu giữa hai nước 16,1 tỷ đô la Mỹ, chênh nhau gần gấp đôi. Nga, năm 2014, chúng ta thống kê 3,5 tỷ đô la Mỹ, còn Nga thống kê 4,3 tỷ đô la Mỹ...
Giải thích nguyên nhân việc hầu như tất cả các quốc gia đều đang có chênh lệch, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thứ nhất, do cách thống kê của các nước khác nhau, thế giới quy định xuất khẩu theo giá FOB, nhập khẩu theo giá CIF (giá CIF là giá đã bao hàm kể cả vận tải, giá trị vận tải từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu và cả bảo hiểm trong đó), tuy nhiên mỗi nước lại áp dụng một cách.
Thứ hai, hàng hóa của chúng ta đưa vào, mỗi nước tính cách nhập khác nhau. Ví dụ, Trung Quốc họ không tính giá trị về xuất, nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Mặc dù, qua đường tiểu ngạch ở đây không phải buôn lậu, mà qua đường tiểu ngạch có hải quan làm thủ tục, bên phía Việt Nam làm thủ tục đầy đủ, thu thuế đầy đủ, nhưng phía Trung Quốc không tính con số đó.
Ví dụ, Việt Nam năm 2014 xuất khẩu nông sản, chủ yếu là gạo với 2,14 tỷ USD, nhưng Trung Quốc chỉ ghi nhận 0,71 tỷ USD.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nêu dẫn chứng do những vấn đề phức tạp trong kinh tế về mặt xuất xứ hàng hóa và để thống kê hàng hóa, các nước tính giá rất khác nhau, cũng dẫn đến tổng trị giá khác nhau.
"Từ những phức tạp này, con số có chênh lệch nhau rất nhiều, các nước đều chênh lệch, Liên Hợp quốc đã bàn rất nhiều lần làm sao thu hẹp chênh lệch để có so sánh, nhưng tất cả các nước vẫn đang diễn ra", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng KH-ĐT, không phải chúng ta suy diễn toàn bộ xuất khẩu ngầm của chúng ta sang Trung Quốc là toàn xuất những thứ hàng cấm, như là quặng. Bởi vì, "thực tế 2 triệu tấn gạo chúng ta đều xuất theo con đường đó, nhiều nông sản của đồng bào vùng biên giới đều xuất qua đó mà chúng ta cũng không tính được, giá trị xuất khẩu thật của chúng ta sang Trung Quốc nhiều hơn".
Chênh lệch gần 15 tỷ USD
Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho rằng: Phát sinh sự chênh lệch về số liệu xuất nhập khẩu theo công bố của Tổng cục thống kê hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Các số liệu này luôn chênh lệch từ trước tới nay, theo khuynh hướng ngày càng bất lợi cho Việt Nam, chỉ lấy riêng số liệu của năm 2014, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc thì Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 19,9 tỷ USD, cao hơn trên 30% so với con số công bố của Tổng cục thống kê Việt Nam. Trung Quốc lại xuất khẩu vào Việt Nam 63,7 tỷ USD, cao hơn đến 45% so với con số của Tổng cục thống kê Việt Nam.
Có nghĩa là riêng năm 2014 thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 28,9 tỷ USD mà chúng ta công bố, một khoảng chênh lệch gần 15 tỷ USD, có nghĩa là nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, không chỉ là 30% theo con số công bố của chúng ta. |
Theo báo Hải Quan.
|