Mặc dù xuất khẩu xi măng (XM) của Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp XM nước láng giềng nhưng tiêu thụ nội địa đang được đẩy mạnh.
Tiêu thụ xi măng nội địa tăng trưởng khả quan
Đầu năm nay, Bộ Xây dựng tính toán năm 2015 nhu cầu tiêu thụ XM toàn ngành khoảng 72 - 74 triệu tấn, tăng 1,5 - 2% so với năm 2014, trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 53 - 54 triệu tấn; xuất khẩu 19 - 20 triệu tấn.
Vừa bước qua 6 tháng đầu năm 2015, con số tiêu thụ XM toàn ngành tương đối khả quan. Sản lượng XM tiêu thụ 6 tháng ước đạt 34,16 triệu tấn, bằng 106% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 47% kế hoạch năm 2015, trong đó, tiêu thụ nội địa ước đạt 25,97 triệu tấn, bằng 105% so cùng kỳ năm 2014; xuất khẩu ước đạt 8,19 triệu tấn, bằng 107,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Riêng tháng 6, ước tính sản phẩm tiêu thụ đạt 5,68 triệu tấn bằng 66% so tháng 5/2015, bằng 112% so tháng 6/2014, trong đó, tiêu thụ trong nước tháng 6/2015 ước tính là 4,63 triệu tấn, bằng 88% so tháng 5/2015 và bằng 113% so tháng 6/2014. Vicem tiêu thụ tháng 6/2015 ước đạt 1,43 triệu tấn bằng 74% so với tháng 5/2015 và 106% so với tháng 6/2014. Tiêu thụ trong nước 6 tháng đầu năm 2015, ước đạt 25,97 triệu tấn xi măng, bằng 106% so với cùng kỳ năm 2014.
Xuất khẩu sản phẩm XM tháng 6/2015 ước đạt 1,05 triệu tấn, bằng 42% so với tháng 5/2015, bằng 110% so với tháng 6/2014. Trong đó, Vicem xuất khẩu tháng 6/2015 ước tính là 0,105 triệu tấn, ước tính 6 tháng đầu năm 2015 là 0,733 triệu tấn. Sản lượng clinker và XM xuất khẩu giảm sút nhiều so với năm trước vì thị trường xuất khẩu sang một số nước đang gặp khó khăn nhất là Bangladesh. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 8,19 triệu tấn, bằng 108% so với 6 tháng đầu năm 2014, đạt 40% kế hoạch năm 2015.
Tháng 6/2015, sản lượng XM tiêu thụ nội địa giảm so với tháng 5 do thời tiết quá nóng, không thuận lợi cho xây dựng nhưng tính chung 6 tháng đầu năm thì lượng tiêu thụ nội địa tăng đáng kể.
Mặc dù xuất khẩu XM giảm cả lượng và giá trị nhưng tiêu thụ nội địa đang tăng lên một cách đáng mừng nên theo ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, thị trường XM giai đoạn 2015-2016 sẽ không đáng lo ngại, riêng năm 2015, tiêu thụ nội địa tăng 5 triệu tấn và khả năng đạt kế hoạch đề ra trong năm là hoàn toàn khả thi.
Theo các chuyên gia trong ngành, tiêu dùng XM nội địa gia tăng do thị trường BĐS trong nước đang ấm dần lên, các dự án hạ tầng và chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đường bê tông XM được triển khai tích cực.
Thêm 2 dự án vận hành trong năm 2015
Với 74 dây chuyền đang vận hành có tổng công suất thiết kế là 77,36 triệu tấn, công suất huy động 72 - 73 triệu tấn, tỷ lệ khai thác công suất trung bình của cả nước là 96%, ngành xi măng Việt Nam được đánh giá trong top 5 thế giới, chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ.
Trong năm 2015, sẽ có 02 dự án (gồm Xi măng Sông Lam 2, công suất 0,6 triệu tấn/năm; Xi măng Công Thanh 2, công suất 3,6 triệu tấn/năm) đi vào vận hành, nâng tổng số dây chuyền XM cả nước lên con số 76, với tổng công suất thiết kế là 81,56 triệu tấn, công suất huy động đạt khoảng 79 - 80 triệu tấn.
Dự báo nguồn cung XM của cả nước từ nay đến năm 2016 vẫn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, có một lượng nhất định cho xuất khẩu khoảng 15 - 16 triệu tấn mỗi năm và lượng dự trữ khoảng 10 - 15% do đặc điểm địa hình, khí hậu, mùa vụ... của nước ta để bình ổn thị trường XM của cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2016, không có dự án XM nào đưa vào vận hành nhưng giai đoạn 2017-2018 sẽ có vài dự án “khủng” với công suất lớn sẽ đi vào hoạt động.
Giá bán xi măng tháng 6/2015 nhìn chung vẫn ổn định, mặc dù giá điện và giá xăng dầu đã điều chỉnh tăng.
Theo Báo điện tử Xây dựng