Sáng 7-7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tổ chức hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-Âu”. FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan), còn được hiểu là FTA Việt Nam – Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan trước đây nhưng hiện nay có thêm Armenia và Kyrgyzstan đang trong giai đoạn phê chuẩn để trở thành thành viên.
Theo bà Đào Thu Hương, Trưởng phòng Hội nhập kinh tế quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), có khoảng 53% tổng số dòng thuế nhập khẩu sẽ xuống 0% ngay sau hiệp định có hiệu lực. Tiến tới đến năm 2018 sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu thêm đối với 1,5% tổng số dòng thuế, tập trung vào nhóm: chế phẩm từ thịt, cá và rau củ quả, phụ tùng máy nông nghiệp, máy biến thế, ngọc trai, đá quý và kim loại quý…
“Đến năm 2020, sẽ xóa bỏ thêm đối với 22,1% tổng số dòng thuế tập trung vào nhóm giấy, thủy sản, đồ nội thất, máy móc thiết bị điện, rau quả, sản phẩm sắt thép… Năm 2022 là bộ phận phụ tùng ô tô, một số loại động cơ ô tô, xe máy, sắt thép… với thêm 1% tổng số dòng thuế nữa”- bà Hương nói.
Bà Hương cũng cho biết, đối với mặt hàng sắt thép, Việt Nam cam kết xoá bỏ ngay thuế nhập khẩu nguyên liệu thô, ống thép không hàn, thép cuộn cán nóng, thép đặc biệt và thép hợp kim chế tạo cơ khí... Với lộ trình 5 năm sẽ là một số loại thép không gỉ, SP sắt thép... Lộ trình 7-10 năm là phôi thép, thép cán nguội, thép mạ kim loại và phủ màu, thép xây dựng... Đây cũng là những mặt hàng trong nước đã sản xuất được, do đó, lộ trình bảo hộ được xây dựng dài hơi hơn.
Theo ông Bùi Hồng Minh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, FTA Việt Nam – EAEU cũng cam kết mở cửa đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ví dụ như đối với dệt may, 82% tổng số dòng thuế được cam kết cắt, giảm (kim ngạch tương đương 159/179 triệu USD), đối với các sản phẩm giày dép túi xách, 77% tổng số dòng thuế cam kết cắt, giảm, trong đó 73% là xoá bỏ hoàn toàn với lộ trình tối đa 5 năm và chiếm 99% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Với nhiều thay đổi như vậy về chính sách thuế trong thời gian tới, bà Đào Thu Hương khuyến cáo doanh nghiệp chủ động nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, từ đó xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn.
Cũng theo bà Hương, Thông tư về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện FTA Việt Nam – EAEU giai đoạn 2016-2018 dự kiến sẽ được Bộ Tài chính ban hành giữa tháng 11-2015 và có hiệu lực kể từ 1-1-2016.
Theo báo Hải Quan.